(HNM) - 4.164 tỷ đồng là tổng số tiền mà các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành tính đến cuối năm 2013.
Sự ảm đạm của thị trường chứng khoán, bất động sản cùng những quy định khá khắt khe liên quan đến việc thoái vốn dưới mệnh giá đã khiến tiến trình thoái vốn không đúng với kế hoạch đặt ra. Nghị quyết 15/NQ-CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-3 dự kiến sẽ tháo gỡ nhiều "nút thắt", đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, thu hồi vốn đầu tư ngoài ngành nhằm tập trung cho các lĩnh vực kinh tế then chốt, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, không tập trung, gây gánh nặng nợ nần cho ngân sách. |
Ứ đọng 81% vốn đầu tư ngoài ngành
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho thấy, trong giai đoạn 2011-2013, có 180 DNNN đã được sắp xếp lại, giúp các DN tập trung hơn vào những lĩnh vực kinh tế quan trọng mà Nhà nước cần nắm giữ. Hầu hết DNNN sau cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng khá, qua đó làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế thị trường. Hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành được quan tâm hơn với tổng vốn đã thoái trong giai đoạn này là 4.164 tỷ đồng trên tổng số 21.797 tỷ đồng đầu tư ra ngoài ngành, đạt 19%.
Tuy nhiên, số liệu trên cũng cho thấy, 81% tổng số vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN, tương đương hơn 17.655 tỷ đồng vẫn đang nằm ở những lĩnh vực ngoài ngành nghề kinh doanh chính. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc thị trường chứng khoán, bất động sản sụt giảm mạnh thời gian qua đã khiến việc thoái vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong khi đó, toàn bộ số vốn đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái vốn đều thuộc diện phải nhanh chóng thu hồi, chuyển vào ngân sách nhà nước nhằm tập trung cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, giúp giảm bớt thua lỗ cho DN và giảm gánh nặng nợ nần cho ngân sách.
Càng chần chừ, lỗ càng cao
Nhận xét về tiến trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định thoái vốn đầu tư ngoài ngành tương đối khắt khe, đặc biệt là việc thoái vốn dưới mệnh giá, là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình này. Trong khi đó, với tình hình kinh tế hiện nay, các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… khó có thể thu hồi toàn vẹn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, với những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả, càng để lâu sẽ càng lỗ lớn, thất thoát lớn. Việc thoái vốn sẽ giúp lấy một phần tiền để bù lại những khoản chi âm, giảm nợ công. Đây là việc mà các quốc gia khác trên thế giới đều thực hiện. Thoái vốn cũng sẽ giúp giảm lỗ và tăng nguồn tiền mà Chính phủ có thể điều chỉnh cho ngân sách, thay vì phải phát hành trái phiếu hoặc vay nợ.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, nếu bán lỗ nhưng "cắt" được lỗ và có cơ hội đầu tư vào nơi khác tốt hơn thì nên làm. Thậm chí cả với những DN đang lãi, nếu cần vốn để đầu tư vào chỗ khác quan trọng hơn thì cũng nên thực hiện… Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, để thoái vốn hiệu quả và giảm thất thoát, quan trọng là phải công khai minh bạch. Cùng với đó, Chính phủ, mà đặc biệt ở đây là Bộ Tài chính, phải có biện pháp kiểm tra, giám sát để tránh xảy ra tiêu cực khi các DN thoái vốn.
Để tháo gỡ những "nút thắt" liên quan đến việc tái cơ cấu DNNN và thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP, nêu rõ giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Theo quyết định mới, các bộ, UBND tỉnh, thành phố, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước… phải xây dựng kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa (bao gồm cả mốc thời gian cho từng bước công việc) và hoàn thành trước ngày 31-12-2015. Việc thoái vốn phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả…
Các giải pháp thoái vốn cho từng trường hợp cụ thể được Chính phủ quy định khá chi tiết. Việc thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN được thực hiện sau khi trừ đi khoản dự phòng tổn thất, các khoản đầu tư tài chính. Việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, ngân hàng thương mại có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại, hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu. Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng của các DNNN sau khi đã thực hiện các biện pháp nêu tại Nghị quyết 15 mà thoái vốn không thành công…
Tại hội nghị sơ kết về công tác đổi mới DNNN diễn ra vào tháng 2-2014 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, những lãnh đạo "chần chừ", thiếu kiên quyết trong việc thực hiện nhiệm vụ này sẽ bị điều chuyển công tác khác. Bằng những việc làm quyết liệt, cụ thể, dự kiến nguồn vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, kém hiệu quả sẽ sớm được thu hồi đúng quy định, góp phần phục hồi sức mạnh cho những DNNN vốn được coi là những "đầu tàu" của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính: * Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đang thực hiện thoái vốn tại các công ty thủy điện: Sông Côn, Phú Yên, Đắk Sin và Bảo Lộc theo hướng bán cho đối tác chiến lược và trong giai đoạn khảo sát tính toán phương án. Với khách sạn Móng Cái, tập đoàn mới hoàn tất kiểm toán, định giá tài sản và đàm phán với đối tác để hoàn chỉnh phương án bán vốn… * Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến cuối năm 2012 có vốn góp trực tiếp tại 34 công ty cổ phần thuộc nhiều lĩnh vực với tổng vốn thực góp 16.058,8 tỷ đồng. EVN đã thực hiện chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, thu về 26 tỷ đồng. Sau phiên đấu giá không thành công, năm 2013, EVN hoàn thành việc thoái vốn lần 1 tại ABBank và GIC, thu về 278 tỷ đồng. * Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần Cơ khí may Gia Lâm, Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Trường Đại học Trưng Vương và Ngân hàng TMCP Xuất khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Á Châu với giá trị thu về 153,35 tỷ đồng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.