(HNM) - Thỏa thuận ngừng bắn Minsk giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng đòi ly khai ở miền Đông một lần nữa đứng trước thử thách khắc nghiệt, sau màn giao tranh dữ dội bằng pháo cối hạng nặng đầu tiên trong vòng 3 tháng qua tại khu vực gần tỉnh Donetsk.
Động thái này cùng với những căng thẳng gia tăng giữa Nga với phương Tây (liên quan tới bản danh sách "đen" của Mátxcơva, cấm nhiều quan chức, chính trị gia của Liên minh Châu Âu (EU) tới xứ sở Bạch dương) đang dẫn tới nguy cơ kéo tiến trình đàm phán hòa bình tại Ukraine quay trở lại vạch xuất phát.
Triển vọng hòa bình ở Ukraine còn rất mờ mịt. |
Trên thực tế, sau khi Thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết vào giữa tháng 2, các cuộc giao tranh vẫn thỉnh thoảng diễn ra song chỉ với quy mô nhỏ lẻ. Việc sử dụng vũ khí hạng nặng trong lần đối đầu này là sự vi phạm nghiêm trọng những gì các bên đã cam kết tại thủ đô của Belarus. Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể là yếu tố thúc đẩy các bên liên quan tiếp tục tung ra đòn trả đũa, khiến cho cuộc khủng hoảng bên bờ Biển Đen thêm phức tạp. Mối lo ngại trên không phải không có cơ sở khi màn đấu khẩu giữa các bên diễn ra ngày càng gay gắt sau cuộc giao tranh.
Với quan điểm thiên về lực lượng ly khai ở miền Đông, điện Kremlin đã cáo buộc quân đội Ukraine có hành vi gây hấn. Cùng lúc đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov lưu ý về khả năng Tổng thống Vladimir Putin có thể sử dụng vũ lực ở nước ngoài, như một quyền hiến định. Mặc dù điều này cần phải được Quốc hội Nga thông qua, nhưng bất kỳ dự định nào của Điện Kremlin vào thời điểm này cũng có thể khiến đối phương phải đánh giá lại tình hình chiến lược trên "bàn cờ" Ukraine. Không kém cạnh, Mỹ cũng lớn tiếng đổ lỗi cho Nga về sự bùng phát trở lại của bạo lực ở miền Đông Ukraine. Theo một số nhà phân tích, hành động tiếp theo mà Washington đưa ra sẽ được cụ thể hóa tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) sẽ diễn ra vào ngày 7-6. Khả năng "Chú Sam" thuyết phục các đồng minh tiếp tục siết chặt lệnh cấm nhằm vào Nga gần như là điều không phải bàn cãi.
Trong khi đó, ngày 4-6, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật cho phép triển khai binh sĩ nước ngoài ở quốc gia này. Dự luật mới mở rộng danh mục cơ sở để triển khai binh sĩ nước ngoài tại Ukraine, cụ thể là hỗ trợ Ukraine dưới hình thức thực hiện chiến dịch gìn giữ hòa bình và an ninh trên cơ sở các quyết định của Liên hợp quốc hay EU, cũng như bảo đảm thực hiện các quyết định của Nhóm tiếp xúc. Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng tuyên bố Kiev đã tăng quân số quân đội cũng như chi phí cho quốc phòng để đối phó với "nguy cơ chiến sự quy mô lớn tại Donbass" .
Trước tình hình đáng ngại trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có kế hoạch nhóm họp trong ngày 5-6 để bàn thảo giải pháp cho tình hình Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, "màn sát phạt" giữa các "ông lớn" sẽ chỉ kiến tình hình tại Ukraine thêm tồi tệ, nhất là khi nền kinh tế của đất nước hơn 48 triệu dân này bị nhận định là đã vỡ nợ kỹ thuật. Theo Trưởng phái bộ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Ukraine Nikolay Gueorguiev, kinh tế Ukraine có thể sụt giảm tới 9% trong năm nay, tệ hơn mức dự kiến ban đầu, còn tỉ lệ lạm phát sẽ tăng lên đến 46% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm. Mặc dù Ukraine đã thỏa thuận với IMF về chương trình giải cứu tài chính trị giá 17,5 tỷ USD và đang mong sớm nhận được khoản tín dụng mới nhất trị giá 2,5 tỷ USD, nhưng IMF sẽ chỉ chi tiền nếu Kiev nghiêm túc cải tổ nền kinh tế vốn đang tê liệt do giá năng lượng cao, nạn tham nhũng cố hữu và cuộc xung đột với phe ly khai ở miền Đông. Vì vậy, hòa bình càng là đòi hỏi có ý nghĩa sống còn đối với Ukraine. Dẫu vậy, với những diễn biến thực tế, hòa bình sẽ khó quay trở lại Ukraine nếu các cường quốc không từ bỏ tham vọng tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia có vị trí chiến lược này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.