Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nỗ lực trước ''khe cửa hẹp''

Quỳnh Dương| 04/04/2021 06:23

(HNM) - Ngày 2-4, Liên minh châu Âu (EU) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến để thảo luận khả năng Mỹ quay trở lại với thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Mỹ và Đức), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran. Đây là bước đi tích cực nhằm cứu vãn văn kiện có ý nghĩa quan trọng này trước khi "khe cửa hẹp" của cơ hội đóng lại.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran.

Cuộc họp trực tuyến do nhà ngoại giao cấp cao của EU Enrique Mora chủ trì với đại diện của các nước: Iran, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc và Đức. Nội dung cuộc họp xoay quanh biện pháp nhằm bảo đảm các bên sẽ thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran một cách đầy đủ và hiệu quả. Trước đó, các quan chức cấp cao của Iran, Đức, Anh và Pháp đã gặp nhau tại thành phố Frankfurt (Đức) để thảo luận về các ý tưởng mới nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015. Bên cạnh đó, một cuộc họp khác cũng đã được tổ chức tại Mátxcơva giữa Iran, Nga và Trung Quốc để phối hợp lập trường chính trị.

Những động thái trên đã nhận được phản hồi tích cực từ phía Mỹ. Các quan chức Mỹ và Iran cũng đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về vấn đề này sau gần 3 năm chính quyền Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi JCPOA. Trong tuyên bố ngày 3-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ đã nhất trí với các nước còn lại trong nhóm P5+1 xác định các vấn đề liên quan đến việc quay trở lại thỏa thuận JCPOA. Dù Washington không hy vọng các cuộc đàm phán sẽ ngay lập tức tạo được đột phá, song bày tỏ tin tưởng đây là một "bước tiến thuận lợi".

Về phía Iran, nước này cũng đã nhất trí tham gia cuộc họp thông qua trung gian với Mỹ vào ngày 6-4 tại Vienna (Áo) để thảo luận về JCPOA. Tehran từng nhiều lần đề cập việc nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được áp đặt dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.

Nhiều đánh giá cho rằng, khả năng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 đang đứng trước thời cơ mới. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để khôi phục JCPOA cũng như thúc đẩy thực thi thỏa thuận này là việc giải “bài toán”: Thỏa mãn điều kiện của các bên liên quan. Cho đến nay, cả Mỹ và Iran đều chưa thay đổi lập trường của mình trong vấn đề này. Cụ thể, Mỹ vẫn theo đuổi cách tiếp cận là Iran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trước, rồi mới xem xét dỡ bỏ cấm vận. Ngược lại, Iran cương quyết bảo vệ quan điểm là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước khi tiến hành đàm phán. Việc Mỹ và Iran kiên quyết theo đuổi cách tiếp cận trái chiều này phản ánh thực tế là lòng tin giữa các bên vẫn chưa được thiết lập.

Sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Nhà Trắng đã có một số động thái tích cực với Iran như hủy bỏ quyết định khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran, dỡ bỏ lệnh cấm đi lại nhằm vào giới chức Iran tại New York, đồng thời thể hiện quan điểm muốn tham gia trở lại Thỏa thuận hạt nhân quốc tế và chấp nhận lời đề nghị của các đồng minh châu Âu tham gia thảo luận về vấn đề này. Điều đó cho thấy, chính quyền của Tổng thống Joe Biden quyết tâm hạn chế các hoạt động hạt nhân của Iran bằng các biện pháp ngoại giao thay vì chính sách "gây áp lực tối đa". Tuy nhiên, động thái của Mỹ chưa đủ sức thuyết phục lòng tin của Iran.

Trong bối cảnh như vậy, những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt các nước châu Âu đang đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các bên khôi phục JCPOA trước khi "khe cửa hẹp" của cơ hội đóng lại. Ngoài ra, các nhà phân tích cho rằng, các bên cần nhiều hành động thiện chí hơn nữa mới có thể hy vọng đưa thỏa thuận mang ý nghĩa thế kỷ này trở lại đúng quỹ đạo cần có.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Nỗ lực trước ''khe cửa hẹp''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.