(HNMCT) - Trong làn sóng Cách mạng công nghiệp 4.0, những tưởng giới trẻ thế giới dồn sự quan tâm vào số hóa, điện tử, trí tuệ nhân tạo mà quên đi nét đẹp của thơ ca. Thế nhưng, một số cuộc khảo sát gần đây lại mang đến kết quả bất ngờ: Số lượng người đọc thơ, đặc biệt là giới trẻ, vẫn không ngừng tăng lên và các nhà thơ trẻ trên thế giới không ngừng cho ra những tuyển tập thơ mới. Thậm chí, họ còn cho rằng, sự bùng nổ của công nghệ sẽ giúp các tác phẩm thơ ca đến với nhiều độc giả hơn.
Mới đây, tổ chức National Endowment for the Arts (Mỹ) đã công bố kết quả khảo sát cho thấy, số lượng người đọc thơ trong năm 2019 đã tăng 12%, đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Số lượng sách thơ cũng tăng lên, khiến các nhà xuất bản phải đưa loại sách này vào danh mục ưu tiên phát hành trong thời gian tới.
Theo một số nhà phân tích, các phương tiện truyền thông ngày càng đa dạng đang góp phần thúc đẩy xu hướng sáng tác và thưởng thức thơ trong giới trẻ. Trong số 20 tác giả có tuyển tập thơ bán chạy nhất thế giới hiện nay, không ít người đã sử dụng mạng xã hội như Instagram, Twitter để chia sẻ tác phẩm của mình và thu hút người hâm mộ. Đáng chú ý có Rupi Kaur, một nhà thơ Canada gốc Ấn Độ, hiện đang được coi là “Nữ hoàng thơ” trên Instagram với lượng người theo dõi lên tới 3,9 triệu. Nữ thi sĩ 27 tuổi này bắt đầu gây được tiếng vang sau khi cho ra đời tập thơ Milk and Honey (tạm dịch là Sữa và Mật ong) vào năm 2014 và bán được 2,5 triệu bản; sách được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên toàn thế giới. Cái tên Rupi Kaur liên tục đứng vững trên bảng xếp hạng sách bán chạy nhất của thời báo New York Times trong năm đó.
Theo các nhà bình luận, Milk and Honey - gồm 4 chương: Nỗi đau, Tình yêu, Sự tan vỡ và Hàn gắn - tựa như một lời an ủi dịu dàng. Tập thơ nhắc nhở bản thân mỗi người không thôi mỉm cười và tiến bước sau vấp ngã trong cuộc sống. Sau Milk and Honey, Rupi Kaur tiếp tục thành công với tập thơ The sun and her flower (Mặt trời và bông hoa của cô ấy) ra mắt vào năm 2017, được lấy cảm hứng từ vòng đời của một bông hoa trải qua đủ 5 thời kỳ: Úa, rụng, mọc rễ, sinh trưởng, trổ bông. Dòng chảy của các áng thơ xoay vần quanh sự trưởng thành, bản chất nữ tính, hàn gắn, yêu thương nhưng cũng hướng về nguồn cội, tôn vinh xuất xứ cũng như tìm kiếm chốn bình yên trong chính tâm hồn. Điều đáng chú ý là thơ của Rupi Kaur là những dòng ngắn gọn, cô đọng nhưng ngập tràn cảm xúc và dễ hiểu. Đây là yếu tố quan trọng tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ.
Trong thời đại số hóa, thơ không bị mất đi vị trí của mình. Tuy nhiên, cách tiếp cận thơ của người đọc cũng khác và cách các nhà thơ trẻ chuyển tải tâm hồn, thông điệp qua thơ cũng thay đổi. Erika Stevens, một biên tập viên về thơ của tạp chí Coffee House Press có trụ sở tại Minneapolis (Mỹ) cho rằng, các bài thơ gây được sự chú ý hiện nay là những tác phẩm có sự kết nối giữa tác giả, hiện thực và giới trẻ. Thông qua thơ, tác giả có thể nói lên suy nghĩ đa dạng của mình về nghệ thuật, cuộc sống, thậm chí cả chính trị. Điều này thể hiện rất rõ ràng qua tập thơ Indecency (tạm dịch: Sự thiếu quyết đoán) của tác giả Justin Phillip Reed, người giành giải thưởng “Sách của năm 2018” tại Mỹ. Một số ý kiến khác lại cho rằng, thơ là phương tiện chuyển tải sự thật một cách mềm mại và sáng tạo, vì vậy, giới trẻ sẽ không ngừng bị lôi cuốn và sẽ tìm cách để thơ ca phát triển cùng với sự tiến bộ của thời đại. Đó là lý do các mạng xã hội, các kênh truyền thông được sử dụng để giới thiệu và lan tỏa những tác phẩm mới đến với người đọc.
Trong xu hướng xuất bản thơ nhờ tận dụng ưu thế công nghệ truyền thông, nhiều người đã nhắc tới cái tên Sam Van Cook, người sáng lập ra Button Poetry Live trên kênh YouTube với hơn 1 triệu lượt người theo dõi. Đây là sân chơi của các nhà thơ trẻ với các đêm thơ trực tuyến theo định kỳ hằng tháng được tổ chức tại nhà hát Park Square, bang Minnesota (Mỹ). Sam Van Cook nhận định về công nghệ và sự thay đổi thế giới thơ ca: “Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của thơ ca nhờ công nghệ truyền thông. Nói một cách khác, internet và phương tiện truyền thông xã hội cho phép người hâm mộ tự do khám phá thơ ca vượt ra ngoài những gì họ được dạy ở trường. Theo xu hướng này, những người bạn làm trong lĩnh vực xuất bản sách của chúng tôi đã từng dự đoán rằng, một ngày không xa, có thể thơ sẽ trở thành ngành công nghiệp trên internet”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.