(HNM) - Lễ hội Chùa Hương dài nhất Việt Nam, từ đầu tháng Giêng cho đến cuối tháng 3 âm lịch hàng năm. Sức hút của lễ hội thật kì lạ, không chỉ là chuyện tâm linh mà còn là việc tìm về với cội nguồn, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Cảnh đẹp tự nhiên của Chùa Hương ngày càng đẹp hơn bởi có bàn tay con người biết nâng niu, bảo vệ và tôn tạo.
Cách trung tâm Hà Nội chỉ 50 km, Hương Sơn là điểm du lịch hấp dẫn. Xuân hội Chùa Hương Kỷ Sửu (2009) đang mời gọi du khách gần xa.
"Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại"
Nói đến Chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là nói đến một quần thể di tích, danh thắng văn hóa và tôn giáo đặc biệt. Bầu trời, đất phật, cảnh tiên hiển hiện ngay giữa cõi trần, ít có nơi nào sánh được.
Chùa Hương là điển hình của việc kết hợp hài hòa các cảnh đẹp thiên tạo như suối Yến, động Hương Tích... với các công trình nhân tạo như đền Trình, chùa Thiên Trù... Trong tâm thức của người Việt, Hương Sơn là cõi Phật và Chùa Hương là nơi thờ Phật bà Quan Âm. Ngày 6 tháng Giêng hàng năm là ngày khai hội; chính hội từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 2 âm lịch. Lễ hộikéo dài trong 3 tháng.
Đến với Chùa Hương, du khách có thể đi bằng đường bộ theo hành trình Hà Nội - Hà Đông - Vân Đình - Hương Sơn hoặc từ thị xã Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) ngược dòng sông Đáy lên Bến Đục - Yến Vĩ - Hương Sơn. Lễ hội Chùa Hương trải rộng trên 3 tuyến chính là tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân (các tuyến Thiên Trù - động Hương Tích; Thiên Trù - chùa Hinh Bồng; Thiên Trù - động Long Vân); trong đó, Thiên Trù (Bếp trời) là điểm chính của vòng quay khép kín cả ba tuyến du lịch.
Xuất phát từ bến Đục, du khách qua đền Trình - Ngũ Nhạc, làm lễ trình lên thần linh rồi lại tiếp tục xuống thuyền vào Thiên Trù. Trời nước mênh mang, người hòa vào cảnh, người làm cho cảnh thêm sinh động. Sau gần một giờ, du khách sẽ lên bến thuyền Thiên Trù để bắt đầu lộ trình lên thăm Hương Tích. Trung tâm của quần thể di tích, danh thắng này là Chùa Hương (Chùa Trong) nằm trong động Hương Tích nổi tiếng mà vị chúa - nhà thơ Trịnh Sâm (1739-1782) gọi là "Nam thiên đệ nhất động" (động núi đẹp nhất cõi trời Nam). Nguyên thủy ngôi chùa xây dựng đời Hậu Lê (1533-1788), qua nhiều lần tu tạo vẫn giữ được nét dáng kiến trúc cổ. Động Hương Tích là trung tâm của cả cụm di tích danh thắng, hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như quả chuông đồng cao 1,24m, đường kính đáy 0,63 m, đúc năm ất Mùi (1655), đời vua Lê Thần Tông (1649-1662); pho tượng Phật bà Quan Âm bằng đá xanh, tạc năm Quý Sửu (1793)... cho thấy đây là nơi diễn ra các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa từ lâu đời.
Chùa Hương và lễ hội Chùa Hương không chỉ là điểm đến ưa thích của du kháchgần xa mà còn là nguồn cảm hứng vô tận của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ... Nhà thơ Chu Mạnh Trinh (1862-1905) với bài hát nói "Hương Sơn phong cảnh ca" đã khắc họa cảnh vật rất tài tình:
Bầu trời cảnh bụt
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
Đệ nhất động hỏi rằng đấy có phải
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái
Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh"
Còn nhà thơ người Hà Nội Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) đã có những vần thơ đặc sắc về Hương Tích:
Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu
Xuân lại xuân đi không dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho
Tác giả chơi chữ "thơm tho" từ chữ Chùa Hương (chùa Thơm)
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân H°ơng (?-?, cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX) đến đây đã phải thốt lên rằng: "Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại", bao nhiêu cái đẹp của thế gian đều đã hiển hiện nơi đây. Chùa Hương là thế, sức hút mãnh liệt đến độ "quyến cả phồn hoa" thì không còn nơi nào có thể so sánh ngang bậc được. Ngôn ngữ dường như bất lực vì cảnh đẹp Chùa Hương không bút nào tả xiết.
Vì một mùa lễ hội an toàn, vui vẻ
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, ông Lê Văn Sang, không giấu được sự hài lòng vì công tác chuẩn bị cho mùa xuân hội Chùa Hương Kỷ Sửu (2009) đã diễn ra theo đúng kế hoạch.Ngày cuối cùng của năm 2008, ngày 31-12, Ban tổ chức lễ hội đã họp phiên toàn thể để rà soát lại khâu chuẩn bị của các bộ phận. Mặc dù Lễ hội diễn ra thường niên nhưng huyện luôn luôn cẩn trọng và chi tiết tới từng đầu việc của từng năm. Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội; kế hoạch tổ chức, quản lí lễ hội; công tác chuẩn bị phục vụ... được quán triệt tới từng thành viên.
Nét mới của khâu tổ chức, quản lí mùa lễ hội Chùa Hương xuân 2009, theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức lễ hội, là: Chuẩn bị kế hoạch sớm, chi tiết tới từng tiểu ban; hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp các bến xe, trạm kiểm tra Hội Xá, Tiên Mai, bến đò Thanh Sơn, Tuyết Sơn; nâng cấp đường đi bộ từ Thiên Trù vào động Hương Tích... Tổng kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ mùa lễ hội 2009 là trên 8 tỉ đồng.
Trước ngày khai hội một tháng, các khâu chuẩn bị đã hoàn tất với chất lượng cao. Các chủ đò đã được khám sức khỏe, trường hợp nào không đảm bảo sức khỏe, không được làm nhiệm vụ lái đò chở khách. Tiểu ban chức năng của Ban tổ chức đã thực hiện tuyên truyền về văn hóa trong dịch vụ du lịch cho nhân dân địa phương, về luật giao thông đường thủy nội địa; tuyên truyền cho các hộ dân làm hàng quán, dịch vụ... thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Ban tổ chức lễ hội; nghiêm cấm bán hàng rong gây ách tắc giao thông; tháo dỡ các hàng quán dựng ngoài khu quy hoạch; quy định cụ thể giá vé xuồng đò, vé thu phí thắng cảnh (có bảo hiểm), vé gửi xe; nghiêm cấm việc đón, dẫn khách dọc đường và tại các cổng, trạm kiểmtra; cấm tranh giành khách gây mất trật tự, an ninh... Năm nay, Ban tổ chức đổi mới việc trang trí làm cho không gian lễ hội rực rỡ sắc màu và vui tươi hơn; tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian làm cho phần hội tưng bừng hơn...
- Quyết tâm cao nhất của chúng tôi là tổ chức lễ hội Chùa Hương an toàn; làm cho chuyến đi của du khách về Chùa Hương thực sự là chuyến du xuân vui vẻ, đầy ý nghĩa để họ cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên và tình cảm con người - Ông Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh.
Chùa Hương đang trong lộ trình hướng tới việc đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Vẻ đẹp Chùa Hương sẽ được gìn giữ
bền vững, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa
tinh thần của con người./.
Nhất Hạnh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.