(HNMCT) - Trong quá khứ hay hiện tại, thơ đều thể hiện thế giới tinh thần của con người, là nơi nương náu, nuôi dưỡng nhân tính. Dưới đây là ý kiến của một số nhà thơ, nhà phê bình khi suy nghĩ “thơ có ích gì cho chúng ta?”.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội):
Thơ vẫn là thứ ngôn ngữ chạm được vào sâu thẳm nội tâm con người
Câu hỏi "thơ có ích gì" là câu hỏi cá nhân tôi nhận được từ nhiều người. Bản thân tôi cũng có thời gian băn khoăn về câu hỏi, rằng thơ, mà rộng hơn là văn chương, nghệ thuật có ích gì? Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, có lúc tôi nhận ra là không nên đặt ra câu hỏi này.
Câu hỏi về tính có ích phản ánh rất rõ một lối tư duy thực dụng. Mà, nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là lĩnh vực mà chúng ta không nên dùng tư duy thực dụng. Tuy nhiên, nếu vẫn phải nói về ích dụng của thơ, tôi nghĩ rằng thơ có ích ở hai phương diện.
Thứ nhất, có rất nhiều khi trạng thái tinh thần của con người không thể diễn tả trọn vẹn nếu như người ta chỉ nói theo cách thông thường nhất. Nhiều khi, người ta phải nói về nó bằng một hình thức đặc biệt (như là thơ). Thơ mang đến cho chúng ta khoái cảm vô tư, thuần khiết từ ngôn từ. Thơ xuất phát từ những khoái cảm đó. Gần đây, chúng ta nhận thấy sự lên ngôi của Rap, sức hấp dẫn của Rap rất gần với sức hấp dẫn của thơ bởi vần nhịp. Khoái cảm trong ngôn từ có lẽ tìm thấy trong thơ nhiều nhất.
Thứ hai, thi ca có thể giúp chúng ta tri nhận cõi nội tâm đầy phức tạp của con người. Có những lúc tôi nghĩ rằng, mình cần phải hiểu là đời sống này phức tạp hơn tất cả những gì thuộc về logic, lý tính. Thơ vẫn là thứ ngôn ngữ chạm được vào những gì sâu thẳm của nội tâm con người.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Viện Văn học):
Người viết tìm kiếm sự tồn tại của mình khi sống trong ngôn từ
Câu hỏi "thơ có ích gì" cũng không phải là vấn đề mà tôi có nhiều trăn trở. Tuy nhiên, khi đứng trước câu hỏi này, tôi nghĩ rằng, phải chăng chúng ta cũng cần thừa nhận tính chất phi vụ lợi, thuần túy của thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung.
Thơ ra đời từ nhu cầu biểu đạt tinh thần của con người trong ngôn từ. Mặc dù vậy, trên thực tế, thơ ca thường xuyên đồng hành và tham dự vào các biến cố lịch sử xã hội. Nói về ích dụng của thơ, theo tôi, cái cốt lõi để thôi thúc người làm thơ, mà rộng hơn là làm văn chương, chính là tình yêu tha thiết của họ đối với ngôn ngữ và người viết tìm kiếm sự tồn tại của mình khi sống trong ngôn từ.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (Hội Nhà văn Việt Nam):
"Thật rằng thơ chỉ là thơ"
Câu hỏi "thơ có ích gì" khá thú vị. Để trả lời cho câu hỏi này, tôi muốn dẫn ra đây một bài thơ tôi viết gần đây. Đó là bài "Thơ là gì?": "Thật ra thơ sẽ là gì/ Thơ là ngọn khói vô vi bên chùa/ Mái chùa chợt hửng nắng trưa/ Thơ là ngọn nắng người xưa kiếm tìm/ Thật tình thơ vốn lặng im/ Vô thanh chữ nghĩa dọc miền ca dao/ Người thơ ngẫu hứng cồn cào/ Đọc thơ như thể đọc vào hư vô/ Thật rằng thơ chỉ là thơ/ Trái tim vượt khỏi bến bờ vô minh/ Cõi u mê chạm cõi tình/ Thơ vào cõi ấy xem mình yêu nhau/ Thật lòng tới cõi khổ đau/ Thơ là ngọn nến nhiệm màu xót xa/ Cháy một mình cứu rỗi ta/ Cháy từng chữ cháy sáng ra kiếp người/ Thật buồn người héo thơ tươi/ Nỗi đau tím tái nỗi đời thường xanh/ Trầm luân dưới đáy vô danh/ Thơ vô ngã bất biến thành vô ưu".
Tiến sĩ Hà Thanh Vân (Đại học Thủ Dầu Một):
Với mỗi người đọc, thơ đều có ý nghĩa riêng
Thơ là thể loại ra đời sớm nhất trong tất cả các thể loại văn học. Lịch sử của thơ có lẽ phải đến 5.000 năm. Một thể loại ra đời sớm như thế phải có một ý nghĩa gì đó chứ?
Bàn về ý nghĩa, ích dụng của thơ, tôi nghĩ rằng, theo thời gian, các giá trị này sẽ ngày càng tăng. Với mỗi người đọc, thơ đều có những ý nghĩa riêng, tùy vào thời điểm đọc, tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính... Trong bối cảnh hiện nay, thơ càng trở nên phổ biến và như thế nó cho thấy ý nghĩa đối với đời sống.
Tiến sĩ Đinh Minh Hằng (Đại học Sư phạm Hà Nội):
Thơ đem lại cảm xúc mà đôi khi không thể gọi tên
Đôi lúc, chúng ta hoài nghi về sự tồn tại của chính mình, của con người nói chung hay của cõi sống. Đọc thơ, chúng ta nhận thấy một cõi nhân sinh có mình trong đấy. Thơ đem lại cảm xúc mà đôi khi người ta không thể gọi tên, nhưng đó là những khoảnh khắc đồng hiện của những chủ thể khác nhau, trong những bối cảnh tương tự mà trải nghiệm cá nhân có thể tìm hiểu, gặp gỡ.
Sự thật, có những bài thơ chúng ta không hiểu hay mơ hồ về nghĩa lý của nó. Vậy làm sao để có thể cảm nhận được nghĩa lý trong những bài thơ mơ hồ, khó hiểu như vậy? Câu chuyện này dẫn chúng ta đến tinh thần của nghệ thuật đương đại, khi ở đó có sự giao thoa, chuyển hóa của nghệ thuật với sự vật thông thường. Lúc này, dường như mọi thứ xung quanh chúng ta đều có thể trở thành nghệ thuật, và ngược lại. Vậy thì, thế nào là nghệ thuật? Thế nào là thơ?
Tôi nghĩ rằng, chìa khóa để giải mã những câu hỏi này chính là vấn đề ý niệm nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại quan tâm nhiều đến ý tưởng hơn là kỹ thuật, chất liệu hay thẩm mỹ truyền thống. Chính vì vậy, xem xét vấn đề nghĩa lý, ích dụng của thơ nói riêng hay nghệ thuật đương đại nói chung thì cần phải nhận ra ý niệm nghệ thuật trong đó. Mọi sự cách tân chỉ có ý nghĩa khi nó không xa rời giá trị nhân văn, nhân bản, không triệt tiêu sự tri nhận của độc giả. Điều quan trọng hơn, khi đọc thơ, chúng ta nhận ra một phần sự sống, một phần cuộc đời mình trong đó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.