(HNMCT) - Thơ có ích gì cho chúng ta? Đó là câu hỏi không còn mới nữa. Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, cái không mới, thậm chí đã cũ ấy lại luôn khiến chúng ta phải suy nghĩ, bám riết lấy chúng ta khi hình dung về khả năng của thơ đối với con người và đời sống. Sự thật, thơ có ích gì? Vượt lên khuôn khổ một cuộc tọa đàm online nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 20, câu hỏi có lẽ mang tính tu từ ấy, đã bao hàm sự thôi thúc ở cả hai chiều sáng tác và thưởng thức thi ca.
Thơ trong thử thách đời sống hôm nay
Trong thế giới của chúng ta, có điều gì tồn tại mà vô lý, vô ích không? Nói như A.Camus, thế giới không phi lý, chỉ có nhu cầu, ý muốn của con người làm cho chúng trở nên phi lý. Thơ cũng như vậy. Nếu vô ích, tại sao thơ vẫn tồn tại, vẫn có nhiều người làm thơ, nhiều văn bản thơ, nhiều diễn đàn văn nghệ đăng tải thơ ca? Nói cách khác, như có nhà thơ đã viết: "Thơ chỉ tràn trong tim ta khi cuộc sống đã thật đầy". Cái nguồn gốc đời sống tự nó đã chỉ ra sợi dây kết nối, điều ý nghĩa mà thơ ca từ điểm xuất phát đã gắn bó tự thân với đời sống.
Thực tế đó đặt chúng ta trở lại vấn đề cần phải nhìn nhận lý do, ích dụng của thơ trong hiện trạng tồn tại của nó.
Ích dụng của thơ có thể được hình dung trên hai bình diện. Thứ nhất: Ích dụng thuộc về nguyên lý, bản thể; thứ hai: Ích dụng trong thực tế tồn tại.
Về mặt lý luận, ích dụng của thơ được đúc kết khá rõ rệt, khi nó được xem như thể loại tinh túy, cô đọng, hàm súc, gợi cảm, có nhịp điệu, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh... Thơ vẫn luôn được đánh giá là có khả năng lay động trái tim, tâm hồn, cảm xúc của con người một cách tinh vi, kỳ diệu. Cùng với đó, cũng không thể tách thơ ra khỏi những chức năng đã được định hình trong tư cách một thể loại của loại hình văn học (thẩm mỹ, giải trí, nhận thức, giáo dục, dự báo...). Xét từ giá trị tượng trưng, thơ được xếp ở bậc thang cao nhất trong các thể loại - loại hình nghệ thuật.
Dù lý luận có đề cao, chỉ ra ích dụng của thơ (dựa trên những đúc kết từ lịch sử thể loại), câu hỏi thơ có ích gì vẫn luôn hiện diện trong trải nghiệm thơ ca của con người, nhất là khi, những gì tinh vi, kín đáo, sâu thẳm, đơn độc, bí ẩn nhất của thơ bị đặt vào thử thách của đời sống ngày càng ồn ào, xô bồ, vội vã và không ít dễ dãi như hiện nay.
Trong một tiểu luận có nhan đề “Quê hương chùm khế câu đầu trong thơ”, Kate Jellema đã khảo sát thơ của các câu lạc bộ, phong trào thơ quần chúng ở Việt Nam với ý hướng chỉ ra nhu cầu kiến tạo cộng đồng sinh tồn từ thơ. Gắn kết điều này với khái niệm “an toàn tinh thần” được Oscar Salemink nhấn mạnh trong bài viết “Tìm kiếm an toàn tinh thần trong xã hội Việt Nam đương đại”, chúng ta sẽ hình dung được, một cách rộng rãi và rộng lượng hơn về nguyên do tồn tại của thơ ca (hai tiểu luận này đều được in trong cuốn “Hiện đại và những động thái của truyền thống: những cách tiếp cận nhân học”, Q.2, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2010). Khái niệm an toàn tinh thần và an ninh con người quan tâm đến khía cạnh đảm bảo cho con người có được không gian, điều kiện sinh tồn tốt nhất, không thiếu thốn, không sợ hãi. Và thơ, chẳng phải đã góp phần cân bằng đời sống tinh thần, là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm, là nơi nương náu cho cá nhân trong cuộc sống này hay sao? Thơ đã trở thành một khả năng để vãn hồi, cứu rỗi hoặc chữa lành, một mái nhà để an trú.
Thơ trước khi là một thể loại nghệ thuật, nó là một hiện tượng xã hội, văn hóa. Chính vì thế, thơ cần được nhìn nhận trong nghĩa lý tồn tại của nó, với tư cách là động thái nhằm kiến tạo một hình thức biểu đạt sự sống của con người. Điều đó chất vấn lại thái độ phủ nhận ích dụng của thơ. Nếu không cần thiết, vô nghĩa, thì việc gì con người trên khắp thế giới, từ xa xưa đến giờ, vẫn sáng tạo nên thơ như một phần của văn hóa - xã hội?
Đối với người Việt Nam, nhìn vào truyền thống mỹ học thơ ca, ở dòng chảy rộng lớn nhất, chúng ta nhận ra nhu cầu biểu đạt tinh thần một cách kín đáo, tinh tế, giàu hình ảnh, nhịp điệu, nhạc tính. Như thế, thơ là sự hiện ra của tâm tính con người với nhu cầu được vỗ về, an ủi, nâng đỡ một cách nhịp nhàng, hài hòa. Một câu ca dao, đôi dòng lục bát, một bài thơ nho nhỏ hay một tác phẩm trữ tình dài hơi, đều là sự hiện hình của nhu cầu biểu đạt trạng thái tinh thần, tình cảm, suy tư của con người trong hành trình sống của mình.
Người đọc thơ có cần trải nghiệm?
Đối với người đọc, ích dụng của thơ có lẽ được biểu đạt rõ nhất trong việc đem đến cơ hội thưởng thức những khoái cảm/ mỹ cảm thuộc về tinh thần. Đọc một bài thơ là sống trong thế giới của nhịp điệu cảm xúc, suy tư, thông qua ngôn từ, hình ảnh, thanh âm, giai điệu. Việc đọc thơ gắn với trải nghiệm cá nhân, là quá trình thấm thía chính thế giới bên trong của người đọc, gợi dẫn từ thi phẩm. Không chỉ thế, đọc là cuộc gặp gỡ, đối thoại của con người. Tại thời điểm đó, những giao tiếp diễn ra, giúp chúng ta nhận ra sự hiện hữu của chính mình và người khác. Những ấn tượng, vang hưởng từ bài thơ sẽ đi đến tận cùng tâm hồn, neo đậu lại, tưới tắm, vun đắp hay bồi dưỡng trí cảm con người. Lúc này, thơ cũng trở thành nguồn năng lượng đồng hành cùng sự sống. Ở một cấp độ khác, những người đọc nghiên cứu, phê bình sẽ có thêm những hướng triển khai khác, khám phá đời sống, văn hóa, xã hội, mỹ học, từ đó nhận ra những chiều kích khác thuộc về ích dụng của thơ. Thơ lúc này được xem như một dữ kiện văn hóa - xã hội - lịch sử, một đối tượng của khoa học.
Xét từ góc độ mỹ học, thơ không phải là khái niệm bất biến. Cách tân chính là động thái thường trực, nhằm đem đến mỹ cảm mới, mỹ học mới cho thơ. Chính vì vậy, ở mỗi không gian văn hóa xã hội, mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau, khái niệm thơ sẽ được bổ sung nội hàm, dựa trên nỗ lực làm mới của thi sĩ. Sự bảo thủ, cứng nhắc trong quan niệm về thơ chính là lực cản khiến cho thơ kéo dài mãi một hệ hình mỹ học. Như thế, vô hình trung, chúng ta đang dần triệt tiêu ích dụng của thơ. Đó là một trong những nguyên do khiến công chúng hoài nghi, phân vân, khi họ không tìm thấy ở thơ nguồn sống mới, điệu sống mới, mỹ cảm mới.
Phải chăng, chúng ta đã đòi hỏi ở thơ quá nhiều? Đã bao giờ chúng ta dừng lại và nghĩ rằng, thơ ấy, chính là con người. Bài thơ có thể chất vấn người đọc về năng lực giao tiếp, về khả năng bao dung, mở rộng tâm hồn để đón nhận một kẻ khác. Vấn đề đào tạo người đọc, vì thế, cũng không thể không nghĩ đến khi bàn về ích dụng của thơ. Bởi lẽ, có một sự thật, không phải ai cũng đọc được thơ, cũng nhận ra những thông điệp, ý nghĩa, giá trị của thơ. Như vậy, khi nói thơ vô ích, vô giá trị, vô nghĩa, thiết nghĩ ngoài tinh thần nhân văn, độ lượng, cần một cái nhìn vào bên trong mỗi người đọc, để ta tự hỏi chính “tầm đón đợi” của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.