Văn nghệ

Thơ sen

Đặng Huy Giang 15/06/2024 18:35

Từ thế kỷ XV đến nay, đã có nhiều nhà thơ sáng tác nhiều bài thơ viết về sen và liên quan đến sen thật sâu sắc. Thơ của các thi sĩ Việt cũng chính là tâm thế, tâm sự, tâm trạng, tâm tình, đôi khi cũng là bản lĩnh, thái độ của họ trước sen.

16.jpg
Ảnh: Hạ Yến.

Các nhà thơ xưa có nhiều thi phẩm viết về hoa sen. Nếu Nguyễn Trãi có “Hoa sen”, “Ngôn chí 25”, Nguyễn Du có “Mộng thấy hái hoa sen” thì Cao Bá Quát có “Hoài cảm”... Trong “Thuật hứng, bài 25” Nguyễn Trãi viết: “Thế sự dầu ai hay buộc bện/ Sen nào có bén trong lầm”. Ý về “sen nào có bén trong lầm” của câu thơ không xa nghĩa “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” mấy nỗi. Riêng Cao Bá Quát ngưỡng mộ sen đến độ: “Làm hoa nên làm hoa sen/ Hương thanh thân thẳng dáng xinh tốt/ Bùn vàng năm đấu nước một thước/ Phong thái thanh nhã dường như tiên”.

Hướng về sen và có xuất phát từ sen, thơ của các tác giả hiện đại đa dạng, đa chiều và có những cái lạ, cái hay. Về mặt số lượng, nhiều người sở hữu từ 2 đến 8 tác phẩm. Trong số này, có lẽ kỷ lục thuộc về Chế Lan Viên. Ông có đến 8 tứ thơ về sen. Tiếp theo là Khuất Bình Nguyên (6 bài), Hoàng Quý (6 bài), H.Man (5 bài), Nguyễn Đình Minh (4 bài), Nguyễn Văn Hùng (3 bài), Trần Trọng Giá (3 bài), Nguyễn Thị Việt Nga (3 bài)... Số người chỉ có một tác phẩm đông đảo hơn cả. Tuy vậy, các tác giả vẫn kịp để lại dấu ấn theo cách của riêng mình. Trong tập “Thơ sen” tuyển chọn gần 130 thi phẩm của trên 60 tác giả từ thời trung đại đến cận hiện đại và hiện đại mang đến những bài thơ hay, những câu thơ hay về sen.

Nhiều tác giả đã nhập vào cảnh giới sen mà ngẫm cảm việc đời, việc người. Nói cách khác: Các tác giả đôi khi mượn cái cớ sen mà gửi gắm, mà ký thác cuộc đời mình. Tác giả Trần Ngọc Ánh như mượn “Hồng liên” để giải thoát: “Nhẹ nhàng một cánh sen lên/ Lòng như buông hết ưu phiền thế gian”. Tác giả Nguyễn Nho Khiêm mượn “Sen” để cứu rỗi: “May trong tôi có hương sen/ Tẩy trừ/ Thanh lọc”. Tác giả Trương Nam Chi coi hoa sen như một sự “chữa lành”. Chắc hẳn phải là người có nhiều năm tu tập thiền, Trương Nam Chi mới ngộ ra: “Chúng sinh gieo giấc thiện lành/ Nụ hoa giác ngộ hóa thành tòa sen”. Tác giả Đinh Long mượn “Vô đề 2” để hoài niệm quá khứ: “Hồ Tây sen sắp tàn rồi/ Bỗng dưng nhớ/ hương/ một thời rất xa”. Tác giả Nguyễn Kim Lan mượn “Chớm thu” để nối dài những ngẫm nghĩ: “Thoắt mà đã cạn mùa sen/ Nhụy mới đánh lối hơi quen ướm lời/ Dài dốc nắng rộng chân trời/ Bóng thiên di với kiếp người vấn vương".

Thơ sen có nhiều câu hay. Đó là “Một cánh sen tàn cũng lập thu” của Cát Cân trong “Lập thu”; “Cũng từ bùn nước hóa sinh/ Tơ thương chưa níu/ Tơ tình đã đau” của Trương Thị Kim Dung trong “Sen”; “Thành phố trẻ một nghìn năm tuổi/ Anh già hơn một buổi chiều sen” của Khuất Bình Nguyên trong “Buổi chiều sen”; “Gặp sen, sao lệ ứa nhòa/ Con mừng cõng mẹ bay qua lợi - quyền/ Con xin nâng giấc ngày đêm/ Chỉ mong mẹ bớt buồn phiền từ đây/ Rồi ngày lại phải giống ngày/ Dang tay mà đỡ rủi may phận người” của Trương Trung Phát qua “Con xin”; “Họ chỉ thấy bao lần bão táp/ Cánh trắng em lấm láp bùn đen/ Riêng anh vẫn đinh ninh sau trước/ Em còn nguyên vẹn là sen” của Hồng Thanh Quang trong “Cho một loài sen”; “Hồ cạn có bông sen nở/ Không buồn tàn phai” của Hoàng Quý qua “Tự mình”; “Sen đấy ư/ Đám tang hồ hay đám tang mùa thu/ Mong manh thế kiếp sen lầm lũi/ Ta chết lặng trước sen hồ đang lụi/ Nghe hoang vu tiếng nước khóc lên trời” của Trần Gia Thái qua “Kiếp sen”; “Tôi là ai nhỉ/ Một chút trắng hồng dào dạt vàng” của Nguyễn Đình Thi qua “Sen biếc”; “Nhớ sen đi tìm đầm/ Gặp toàn bong bóng nước” của Hữu Thỉnh qua “Chăn-đa em ơi!”; “Chỉ thấy ốc chơi trò chơi sấp ngửa/ hương bùn non nồng nồng/ những con gọng vó/ gối đầu lên nhánh rong/ ngủ ở hồ mà mơ về sông” của Trần Đình Thọ qua “Tìm em”...

Điểm độc đáo của nhiều thi phẩm về sen là những tứ thơ được khai thác từ góc nhìn bùn, khía cạnh bùn. Như bài “Đất trời từng giấc chiêm bao” của Nguyễn Vĩnh Bảo, “Bạch liên” của Trần Trọng Giá, “Bùn” của Quang Hoài, “Làm bùn” của Nguyễn Văn Hùng, “Sen” của Nguyễn Thị Việt Nga, “Hoa sen” của Quang Tuyến, “Hoa sen 2” của Nguyễn Thanh Ứng. Riêng hai câu kết trong “Hương cốm lá sen” của Nguyễn Tấn Việt có xuất phát từ hai câu thật hay của Nguyên Sa trong “Paris có gì lạ không em”: “Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm/ Chả biết tay ai là lá sen”. Nhưng độc đáo hơn cả vẫn là “Hương sen” của Chế Lan Viên: “Anh có cho tôi làm hoa sen không, tôi trong lý lịch có bùn?/ Thân phận người mà, ai chả có bùn đen/ Giết chết một mùi hương, dễ thôi, cứ quậy bùn lên để giết/ Nhưng vượt lên bùn, sen cứ ngát hương sen”.

Lâu nay, nói đến sen là người ta nói đến những gì thuộc về sự tinh khiết, trong trẻo, cao quý và có phần thiêng liêng của một loài hoa. Trên thực tế, loài hoa này đã gần như thường trực trong tâm thức người Việt, được người Việt chọn là “quốc hoa”. Không mấy người Việt mà không thuộc những câu ca dao về sen. Như bài ca dao ca ngợi phẩm chất sen, bản lĩnh sen: “Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hay bài ca dao phản ánh đời sống sinh hoạt thật thân thuộc và tình tứ bên hoa sen, trong đó có mấy câu rất có duyên: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen/ Em được thì cho anh xin/ Hay là em để làm tin trong nhà”. Đó là những câu ca dao đẹp, còn mãi trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, được truyền tụng từ đời này sang đời khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thơ sen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.