(HNM) - Cuối tuần qua, chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên tham gia các cuộc oanh tạc của liên quân do Mỹ đứng đầu nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển lớn về chiến lược của quốc gia Hồi giáo lớn trong khu vực trong cuộc chiến chống IS.
Gần một năm trước, trong khi IS vươn nanh vuốt tới nhiều quốc gia Trung Đông, Ankara vẫn phớt lờ kêu gọi của Washington và đứng ngoài các chiến dịch chống IS do Mỹ và các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện. Lúc đó, nếu có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ (với vị trí địa - chiến lược và chính trị), Mỹ và liên quân sẽ có nhiều cơ may để sớm thay đổi cục diện của cuộc chiến nhằm vào nhóm khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động với tốc độ đáng lo ngại. Giải thích thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan e ngại, các phần tử IS sẽ đưa đất nước này vào "tầm ngắm".
Không lực Thổ Nhĩ Kỳ tham gia không kích chống IS. |
Thế nhưng, những diễn biến bất ngờ và khó lường trên bản đồ khu vực do IS tạo ra đã tác động nghiêm trọng đến tình hình an ninh khu vực nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ nói riêng. Mở màn là vụ đánh bom tự sát giết chết 32 người ở Suruc, một thị trấn của Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Syria cách đây hơn một tháng. Sau đó là một loạt vụ tấn công của IS nhằm vào cả dân thường lẫn quân đội nước này. Những diễn biến đáng lo ngại trên đã khiến Ankara không thể tiếp tục đứng ngoài "cuộc chơi".
Hiện tại, Ankara và Washington đang hoàn tất các kế hoạch "sức mạnh" - lấy không quân là mũi nhọn - để bảo vệ một nhóm đối lập được Mỹ huấn luyện tại Syria đang đứng trước nguy cơ bị cả IS lẫn quân Chính phủ Syria đánh bật khỏi chính trường Syria. Với sự can dự dù muộn màng, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng đẩy lực lượng IS ra khỏi vùng đệm an ninh mới được thiết lập, dài 80km, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Sẽ không có gì khiến dư luận quốc tế quan tâm nhiều đến thế, nếu Ankara chỉ phối hợp với Mỹ và NATO trong cuộc chiến chống IS. Điều khiến dư luận "để mắt" là ở chỗ, khi tham gia các cuộc oanh kích IS, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ lại "tiện thể" dội bom lên các căn cứ của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở phía bắc Iraq. Vụ việc đầu tiên là cuộc oanh tạc vào một ngôi làng người Kurd ở Syria. Động thái này làm dấy lên nghi ngờ về hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Theo một số phân tích, dường như cuộc chiến chống IS không phải là mục tiêu duy nhất của liên minh này. Những gì đang diễn ra sau các vụ không kích đầu tiên với sự tham gia của không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, một bên trong liên minh (chống IS) có ý muốn hỗ trợ phe đối lập Syria chống chính quyền hợp hiến của Tổng thống Bashar al-Assad; còn bên kia lại nhân cơ hội để triệt tiêu lực lượng người Kurd.
Tấn công người Kurd có thể nhằm làm suy yếu và đẩy lùi tham vọng lâu nay của PKK muốn thành lập nhà nước riêng. Thế nhưng, toan tính (nếu có) của Thổ Nhĩ Kỳ có thể biến thành con dao 2 lưỡi. Vì thời gian vừa qua, người Kurd ở Syria đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc chiến chống IS khi những vụ không kích của Mỹ và liên minh chống khủng bố tỏ ra không mấy hiệu quả. Các chuyên gia lo ngại, nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhân "cơ hội" tấn công người Kurd thì cuộc chiến chống IS của Ankara sẽ vấp phải thách thức mới. Không những thế, toan tính của Tổng thống R.T.Erdogan sẽ phá hủy tiến trình hòa bình Thổ Nhĩ Kỳ - PKK, đẩy nước này đứng trước nguy cơ nội chiến. Bằng chứng là, PKK đã phản ứng dữ dội sau các vụ không kích của không quân Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, PKK đã phá vỡ lệnh ngừng bắn kéo dài 2 năm qua và mở một số cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát và quân đội nước này để trả đũa.
Giới bình luận quốc tế cho rằng, bằng "con bài" chống người Kurd, Tổng thống R.T.Erdogan đã rời bỏ lộ trình đàm phán hòa bình với PKK. Điều này có thể giúp đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền có thêm phiếu ủng hộ của các cử tri vốn có thái độ "phân biệt" người Kurd trong cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 11 tới. Thế nhưng, toan tính này có thể khiến Ankara phải trả giá bằng những diễn biến khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.