Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thổ cẩm Tây Nguyên

ANHTHU| 07/02/2006 08:33

Thổ cẩm là một sản phẩm độc đáo và nổi tiếng ở Tây Nguyên rất được khách du lịch ưa thích. Nói đến thổ cẩm Tây Nguyên là phải nói thổ cẩm của đồng bào Chill, Mạ ở Lâm Đồng, người Jrai ở Gia Lai, người H’rê ở Quảng Ngãi, người Ba Na ở Bình Định mới thuộc loại tốt, có giá trị về hoa văn và chất lượng. Tuy nhiên, có thể nói rằng, hầu hết dân tộc Tây Nguyên đều biết dệt thổ cẩm. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải biết dệt vải thổ cẩm để dùng trong gia đình. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời.

Trang phục thổ cẩm của người Tây Nguyên được nhiều du khách ưa thích

Thổ cẩm là một sản phẩm độc đáo và nổi tiếng ở Tây Nguyên rất được khách du lịch ưa thích. Nói đến thổ cẩm Tây Nguyên là phải nói thổ cẩm của đồng bào Chill, Mạ ở Lâm Đồng, người Jrai ở Gia Lai, người H’rê ở Quảng Ngãi, người Ba Na ở Bình Định mới thuộc loại tốt, có giá trị về hoa văn và chất lượng. Tuy nhiên, có thể nói rằng, hầu hết dân tộc Tây Nguyên đều biết dệt thổ cẩm. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng phải biết dệt vải thổ cẩm để dùng trong gia đình. Đây là nghề truyền thống có từ lâu đời.

Dệt thổ cẩm là nghề của phụ nữ Tây Nguyên, trong gia đình chỉ có họ mới biết dệt. Để hoàn thành một sản phẩm đòi hỏi qua nhiều công đoạn. Chất liệu để dệt thổ cẩm là bông vải, loại cây được trồng nhiều trên nương rẫy. Đến mùa quả bông già họ hái về phơi khô và đem kéo thành sợi thô. Sợi được cho vào nồi đồng hay nồi đất đun trong nhiều ngày liền. Khi sợi đã săn chắc thì vớt ra tách thành sợi nhỏ đem phơi trên giàn tre. Trong dây chuyền dệt thổ cẩm chỉ có khâu chế màu là quan trọng và khó nhất, bởi chính nó quyết định độ bền và giá trị màu sắc của sản phẩm. Vỏ, rễ cây rừng trên núi cao là chất liệu cơ bản để chế ra thuốc nhuộm đặc biệt, có màu sắc tươi, rất chuẩn và bền.

Còn cách dệt, nói chung giống như cách dệt chiếu thủ công ở miền xuôi nhưng công phu và tinh xảo hơn. Bởi vậy, sản phẩm làm ra rất đẹp và phong phú. Dụng cụ để dệt gồm có khung dệt làm bằng gỗ (có nơi làm bằng tre nứa như của người H’rê) có hai hay nhiều que gỗ để tạo nên hoa văn, một con thoi hình lưỡi dao và một thanh gỗ để đạp căng tấm vải ra. Khi dệt phải tuần tự theo ba công đoạn: đầu tiên là giăng sợi trên khung, tiếp theo là móc sợi nhằm hoàn chỉnh kiểu dáng, màu sắc, hình ảnh hoa văn và đường viền, cuối cùng là dệt. Khó nhất là công đoạn đầu vừa mất nhiều thời gian vừa công phu nhằm tạo hình dáng, họa tiết, hoa văn, màu sắc trên khung, nên phải chọn người có tay nghề vững. Còn công đoạn dệt vải, thường dành cho các cô gái nhanh tay, lẹ mắt và có sức khỏe tốt (việc kéo thoi rất nặng).

Với đôi tay khéo léo của người phụ nữ, từ những sợi vải mong manh họ đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm sắc sảo, độc đáo mang đậm đà bản sắc dân tộc. Và nghề dệt thổ cẩm được xem là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá phẩm chất, đức hạnh của người con gái. Ai hát hay, múa đẹp và dệt vải giỏi sẽ được coi là người con gái đảm đang được các trai làng để ý và mến phục.

Sản phẩm làm ra, trước nhất là để dùng trong gia đình như là chiếc khố, tấm chăn, váy, túi xách... sau đó mới đem bán ra ngoài thị trường như mặt hàng lưu niệm để phục vụ khách du lịch. Ngày nay thổ cẩm còn được ký gửi cho cửa hàng lưu niệm, hoặc dệt theo số lượng đặt hàng của các hàng vải ở chợ. Ngoài ra, thổ cẩm còn được bán trực tiếp cho du khách đến tham quan.

Một sản phẩm có giá trị hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách diễn tả họa tiết, hoa văn trên mặt vải. Tùy theo nền vải mà người ta chọn sợi màu cho phù hợp. Các màu phổ biến là xanh, đỏ, đen, vàng và trắng. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có cách trình bày và sắp xếp hoa văn và màu sắc riêng. Thổ cẩm của người Ba Na khác thổ cẩm của người Ê- Đê, hay thổ cẩm của người H’rê không giống thổ cẩm của người Mạ. Nhờ đó mà thổ cẩm Tây Nguyên rất đa dạng, phong phú, như một tác phẩm nghệ thuật.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổ cẩm Tây Nguyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.