(HNM) - Vườn hoa, sân chơi ở Thủ đô hiện đang bị thu hẹp, xuống cấp, gây mất an toàn cho trẻ em và người dân khi tham gia các hoạt động thể thao giải trí. Chưa kể, không gian công cộng đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bị lấn chiếm làm điểm kinh doanh; còn tại khu vực đô thị mới phát triển,
Trước thực trạng đó, hội thảo do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội và tổ chức HealthBridge Canada cùng Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức đã đề xuất một số giải pháp phát triển và nâng cao hiệu lực quản lý không gian công cộng tại Thủ đô.
Hà Nội đang rất thiếu các sân chơi dành cho trẻ em, Ảnh: Sơn Hà |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Huệ: Trong công tác quy hoạch đô thị và sử dụng đất đai cần làm rõ nội dung về vườn hoa, sân chơi và nên có sự tham gia bàn bạc của cộng đồng ngay từ khi khởi đầu lập đề án xây dựng. Đặc biệt, cần có biện pháp kiên quyết thu hồi các diện tích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, các quỹ đất sử dụng chức năng không phù hợp để ưu tiên dành cho các không gian vườn hoa, sân chơi. |
Tiến sĩ, Kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu dẫn chứng, trong nội đô có 21 công viên và 32 vườn hoa với 320ha, chiếm 1,9% diện tích đất che phủ. Chỉ tiêu bình quân chỉ đạt 1,7m2/người, rất thấp so với quy chuẩn 2m2/người và còn rất xa so với chỉ tiêu thành phố đặt ra là 3,9m2/người. Đặc biệt, trong các khu nhà ở, chung cư hầu như không còn vườn hoa, không gian xanh công cộng.
Câu chuyện tạo sân chơi cho trẻ em Hà Nội không phải là quá khó, song vấn đề chính lại phụ thuộc vào ban, ngành chức năng và chính quyền cơ sở. KTS Trần Huy Ánh, Hội viên Hội KTS Việt Nam cho biết, tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân), CLB Sống Xanh đã trao đổi với bí thư chi bộ khu dân cư tận dụng diện tích vỉa hè trong một dự án giao thông dang dở nhiều năm để đặt đồ chơi và khoanh vùng an toàn cho trẻ em vui chơi trong dịp hè. Hay tại phường Ngọc Khánh (Ba Đình), sân chung khu tập thể bị chiếm làm nơi bán hàng ăn, bà con đã thương lượng để dành lại một khoảng trống đặt các đồ chơi phục vụ trẻ em trong khu tập thể đến vui chơi. Từ thực tế này, ông Ánh khẳng định, dù không còn đất để làm sân chơi trong phố, nhưng sân chơi cho trẻ em nơi nào cũng có thể làm được.
Nói về giải pháp nâng cao hiệu quả, tiện ích của vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng, cần rà soát lại quỹ đất công, đất trống tại các địa phương. Trong đó, tập trung rà soát quy hoạch công viên, vườn hoa hiện có để điều chỉnh chức năng, phân khu để tăng diện tích cây xanh. Đại diện tổ chức HealthBridge Canada khuyến nghị cần có một chiến lược tổng thể phát triển vườn hoa, sân chơi trong khu dân cư. Trước mắt, UBND các quận, huyện cần tổng kiểm kê, khảo sát đánh giá hiện trạng các vườn hoa, cây xanh hiện có trên địa bàn và rà soát quỹ đất công, các diện tích đất chuẩn bị được thu hồi từ việc di dời các công trình công khác để làm số liệu, căn cứ lập chiến lược kế hoạch phát triển không gian công cộng. Cùng với đó, cần ưu tiên sử dụng đất công để xây dựng vườn hoa, sân chơi trong khu dân cư.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề vườn hoa, sân chơi trong khu dân cư, thành phố cần có cơ chế để khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội khác nhau tham gia xây dựng và quản lý loại hình này, đồng thời quan tâm cải thiện, nâng cấp các không gian công cộng hiện có với sự tham gia của cộng đồng. Thành phố cũng cần kiên quyết xử lý những trường hợp lấn chiếm, sử dụng sai mục đích các không gian chung, trong đó có vườn hoa, sân chơi. Có như vậy nỗi trăn trở về việc thiếu không gian công cộng mới không trở thành vấn đề "đến hè, lại lo".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.