Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu vốn không thể phát triển sản xuất

Bạch Thanh| 21/03/2012 06:44

(HNM) - Mặc dù những năm qua, mô hình kinh tế nông hộ đã ngày càng được quan tâm, nhưng trên thực tế, để tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nông dân vẫn đang gặp phải hàng loạt rào cản.


Ông Nguyễn Tuấn Minh, chủ trang trại (TT) chăn nuôi lợn ở thôn Ứng Hòa, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên nhận định, mạnh vì gạo, bạo vì tiền, vốn sẽ quyết định thành bại của TT. Hầu hết người làm TT xuất phát từ nông dân vốn liếng không bao nhiêu để đầu tư làm ăn lớn nên phải trông cậy vào các tổ chức tín dụng. TT của gia đình ông Minh có quy mô đầu tư lên tới 10 tỷ đồng, trong đó tiền vay của ngân hàng thường xuyên dao động ở mức từ 10-20%. Việc giảm lãi suất xuống 1-2% thời điểm cuối năm 2011 đối với các nông hộ vay nhỏ lẻ không thấm vào đâu nhưng đối với các TT quy mô lớn thực sự là một liều thuốc trợ lực trong bối cảnh hiện nay.


Nông dân cần được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất kinh doanh,   ổn định cuộc sống.   Ảnh: Thái Hiền

Thực tế, nếu không có vốn ngân hàng thì người nông dân không có điều kiện phát triển kinh tế, mở mang nhà xưởng và đặc biệt là không thể sản xuất theo mô hình TT. Chị Nguyễn Thị Nga, chủ TT rộng hơn 2ha ở thôn Đôn Thư - Kim Thư (Thanh Oai) cho biết, từ giữa năm 2002, 2003 gia đình chị bắt đầu làm TT với mô hình vườn ao chuồng. Thời gian đầu chị trồng gần 1ha cam Canh kết hợp nuôi trồng thủy sản. Thế rồi gặp trận lụt lịch sử năm 2008, vườn cam Canh 4 năm tuổi sau khi ngâm nước nửa tháng trời héo chết hết, ao nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng, tổng mức thiệt hại lên tới 500 triệu đồng. Vì vậy, dù làm ăn có hiệu quả trong nhiều năm trước đó nhưng lợi nhuận thực tế thu về của TT sau 5 năm chuyển đổi lại rất thấp do rủi ro, chi phí cao. Từ một lò gạch toàn thùng đào, thùng đấu để hình thành một khu sản xuất chuyên canh, chị Nga đã cùng anh em trong gia đình mạnh dạn vay Ngân hàng NN&PTNT huyện Thanh Oai 1 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi lợn hướng nạc, vịt và cải tạo vườn cam Canh bị hỏng do ngập úng sang trồng bưởi Diễn. Đến nay TT của gia đình chị đã nhập 20 con lợn nái, trị giá 8 triệu đồng/con, nuôi 1.500 con gia cầm, đồng thời xây dựng thêm 2 khu chuồng mới để chăn nuôi lợn thịt, chỉ tính riêng tiền thiết bị đã lên tới 250-300 triệu/chuồng, chưa kể giống, thức ăn chăn nuôi và hơn 100 gốc bưởi Diễn đã cho thu hoạch vụ đầu tiên… Mong muốn chung của các hộ nông dân là các tổ chức tín dụng đáp ứng nguồn vốn để mở rộng sản xuất.

Theo chị Nga, đối với các TT hoặc nông hộ đã đầu tư được cơ sở hạ tầng chỉ vay vốn để mua giống, vật tư… như vậy là hợp lý vì thời gian quay vòng trong chăn nuôi chỉ từ 3 đến 4 tháng/lứa. Tuy nhiên khi vay vốn để đầu tư hạ tầng ban đầu thì thời gian vay cần dài hơn. Thực tế những hộ sản xuất chăn nuôi có phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, khoa học, bám sát diễn biến thị trường như chị Nga, anh Tuấn ở khu vực ngoại thành không nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp khó khăn một phần do việc cho vay còn quá nhiều thủ tục rườm rà. Đặc biệt các hộ sản xuất nhỏ lẻ, có nhu cầu vay vốn từ 100-300 triệu đồng để mở rộng sản xuất quy mô vừa và nhỏ còn rất khó khăn. Vay Ngân hàng Chính sách xã hội thì đồng vốn quá ít không thể mở rộng sản xuất và cũng chỉ ít đối tượng thuộc diện được vay lãi suất ưu đãi này. Các chủ hộ, chủ TT muốn mở rộng sản xuất chỉ còn trông chờ vào vốn của ngân hàng nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân. Tuy nhiên, trong khi các tổ chức tín dụng huy động vốn với mức lãi suất cao, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, giá cả... ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn nên các tổ chức tín dụng không đáp ứng nhu cầu và rất ngại cho nông dân vay.

Lý giải vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng phòng Tín dụng NHNN&PTNT Thanh Oai, việc vay vốn của các chủ hộ sản xuất nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn có sự chuyển dịch rõ rệt, các món vay nhỏ lẻ 20-40 triệu đã giảm, trung bình món vay của các hộ sản xuất đã đạt 237 triệu đồng, nhiều món lớn đã đạt trên 1 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khu vực này của ngân hàng đạt trên 400 tỷ đồng, chiếm 76,3% tổng dư nợ. Hiện tại nhiều trường hợp chưa tiếp cận được nguồn vốn của NH là do tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số xã còn thấp chưa đủ tài sản thế chấp, các hộ chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún chưa xây dựng được phương án sản xuất hợp lý…

Tại Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Tây, hiện lãi suất huy động của đơn vị đã hạ xuống chỉ còn 13%, do đó lãi suất đầu ra sẽ tiếp tục giảm. Hiện cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn là 17%/năm. Tổng nguồn vốn của đơn vị đạt 10.000 tỷ đồng, tăng so đầu năm gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên dư nợ cho vay lại giảm gần 300 tỷ đồng, đạt 8.500 tỷ đồng trong đó khu vực nông nghiệp nông thôn đạt 5.720 tỷ đồng, chiếm 60% tổng dư nợ với khoảng 42.000 hộ vay. Đây là số lượng nhỏ so với nhu cầu thực tế của 100.000 hộ dân có nhu cầu vay vốn thực sự.
Theo Liên minh HTX Hà Nội, hiện mới chỉ có 30-40% số hộ ở khu vực nông thôn có nhu cầu, tiếp cận được nguồn vốn của các tổ chức tín dụng, còn lại tới 60-70% số hộ vẫn khát vốn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vốn không thể phát triển sản xuất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.