Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu vốn cho xây dựng nông thôn mới: “Mắc” ở đấu giá đất

Nguyễn Mai| 24/11/2014 06:22

(HNM) - Thiếu vốn đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố, đặc biệt là 85 xã đăng ký phấn đấu hoàn thành NTM năm 2014.



Chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm, bài toán về vốn đặt ra với các địa phương càng trở lên nóng bỏng trong khi những khó khăn trong đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn kinh phí tại nhiều địa phương, đặc biệt là các xã vùng bãi lại chậm được tháo gỡ…

Xây dựng hệ thống giao thông nội đồng tại xã Tản Hồng, huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt


Vốn vừa thiếu vừa chậm

Chia sẻ khó khăn về vốn, tại hội nghị đề xuất, bổ sung, ban hành mới chính sách xây dựng NTM và giải pháp phấn đấu hoàn thành NTM tại các xã đăng ký năm 2014 do Ban Chỉ đạo Chương trình 02 thành phố tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng (Ba Vì) Phương Văn Liểu cho biết, ban đầu địa phương xây dựng đề án NTM với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng, nhưng do việc huy động vốn không đạt được theo kế hoạch nên sau một thời gian thực hiện, xã đã rà soát lại các tiêu chí, điều chỉnh "rút bớt" kinh phí xuống còn hơn 100 tỷ đồng. Mặc dù đã rút vốn xuống tối đa nhưng quá trình triển khai vẫn thiếu. Hiện xã mới nhận được hỗ trợ từ thành phố và huyện gần 3 tỷ đồng, thiếu rất nhiều so với kế hoạch đầu tư hoàn thành các công trình để về đích NTM. Còn theo đại diện xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, đến nay địa phương đã đầu tư khoảng 130 tỷ đồng xây dựng NTM. Tuy nhiên, vốn chính thức của thành phố hỗ trợ mới được 1,4 tỷ đồng và huyện hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng. Trong khi đó, ngân sách xã chỉ trông vào thu từ hoa lợi thường xuyên và kinh phí giải phóng mặt bằng nên không thể lấy đâu ra 200 tỷ để xây dựng NTM. Hiện Phú Cát đã hoàn thành dồn điền, đổi thửa nhưng kinh phí thuê nhà thầu đào đắp kênh mương, san gạt ruộng 25 tỷ đồng vẫn đang nợ...

Được biết, để tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao cho các sở, ngành liên quan nghiên cứu trình thành phố ứng trước dự toán ngân sách thành phố năm 2015 bổ sung 500 tỷ đồng cho các huyện, thị xã phục vụ công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chương trình xây dựng NTM nhưng đến nay tiền vẫn chưa về đến cơ sở. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đề nghị: "Thành phố cần sớm phân bổ cho các địa phương để trả nợ các công trình XDCB và đầu tư cho các tiêu chí chưa hoàn thành. Nếu vốn về quá chậm thì các huyện cũng sẽ không 'tiêu" kịp vì chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2014.

Đấu giá đất - "kêu" mãi vẫn vậy

Trong xây dựng NTM, Hà Nội có chủ trương cho phép đấu giá quyền sử dụng đất để tạo vốn thực hiện chương trình. Tuy nhiên, đối với các xã vùng bãi, việc đấu giá gần như không thực hiện được do không đáp ứng được các thủ tục. Theo ông Trương Mạnh Truyền, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Kim Lan (huyện Gia Lâm), là xã nằm hoàn toàn ngoài đê, có 3,5ha đất xen kẹt nằm trong khu dân cư do thành phố quản lý nhiều năm nay bỏ hoang trong khi nhu cầu mặt bằng sản xuất của nghề gốm sứ truyền thống của địa phương rất lớn. Xã đã đề nghị lên các ngành chức năng cho phép đấu giá để lấy kinh phí xây dựng NTM nhưng không được chấp thuận. "Chúng tôi rất bức xúc vì những diện tích đất này đều trong khu dân cư đã sinh sống lâu đời, lại không nằm trong chỉ giới thoát lũ. Đề nghị các cơ quan chức năng thành phố, đặc biệt là Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần xuống tận nơi để xem xét và có hướng tháo gỡ" - ông Truyền cho biết. Bức xúc không kém, Chủ tịch UBND xã Tản Hồng Phương Văn Liểu chỉ ra rằng, xã có 85% dân số sống ngoài đê ổn định từ lâu đời. Các hoạt động giao lưu, buôn bán, sinh hoạt văn hóa ngoài đê phát triển hơn phía trong đê vì vậy đất ở ngoài đê có giá cao hơn rất nhiều. Nhiều năm qua xã liên tục đề nghị cho đấu giá tại 4 điểm xen kẹt, huyện Ba Vì cũng nhiều lần có tờ trình đề nghị nhưng đều không được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận nên Tản Hồng đành không thể về đích NTM năm 2014 vì thiếu vốn...

Trao đổi về những bức xúc trên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Bùi Mạnh Tiến cho biết: Không cứ việc đấu giá, các dự án đầu tư xây dựng và công trình ngoài bãi đều phải bảo đảm Luật Đê điều, Luật Xây dựng và hành lang thoát lũ. Sở đã tổng hợp toàn bộ những điểm xin chấp thuận cho đấu giá quyền sử dụng đất khu vực ngoài bãi, điểm nào phù hợp với quy hoạch sẽ có văn bản trả lời chấp thuận, các điểm không phù hợp cũng đã có câu trả lời rõ cho các địa phương. Tuy nhiên, bên lề hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, nếu Sở Quy hoạch - Kiến trúc không trực tiếp xuống thực tế, cùng địa phương xem xét cụ thể vị trí từng khu đất xin đấu giá, từ đó tham mưu với UBND thành phố tháo gỡ khó khăn thì những khu đất có giá trị trên vẫn muôn đời để hoang hóa, khó quản lý, trong khi nguồn vốn cho xây dựng NTM lại thiếu.

Rõ ràng, việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu phục vụ chương trình xây dựng NTM đang được rất nhiều xã khu vực ngoài đê trông đợi. Giải quyết việc này không chỉ tháo gỡ khó khăn về vốn mà còn thuận lợi hơn trong việc quản lý đất đai, phát triển kinh tế của địa phương. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật là cần thiết, tuy nhiên với những quy định chưa thực sự sát với thực tế, gây khó khăn cho cơ sở thì cần được các sở, ngành, đặc biệt là Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét, tham mưu cho thành phố hoặc đề nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm xem xét, tháo gỡ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu vốn cho xây dựng nông thôn mới: “Mắc” ở đấu giá đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.