Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu trầm trọng trạm xử lý nước thải tập trung

Tuấn Lương| 14/12/2011 07:57

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 88 cụm công nghiệp (CCN) nằm trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy với tổng diện tích 2079,1 ha. Trong đó, có 39/88 CCN có tỷ lệ lấp đầy là 100%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có 4 CCN đã xây dựng, 4 CCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải.


Trong số 88 CCN được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, đến nay mới có 4 CCN (với diện tích là 179,5ha, thu hút 464 DN thứ phát) xây dựng hệ thống xử lý nước thải, gồm CCN làng nghề cơ kim khí Phùng Xá với công suất là 200m3/ngày đêm; CCN thị trấn Phùng, công suất 500m3/ngày đêm; CCN Hà Bình Phương, công suất 500m3/ngày đêm và CCN Ngọc Hồi công suất 1.800m3/ngày đêm. Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, các DN hoạt động trong các CCN này đã đấu nối với đầu ra của hệ thống thoát nước thải vào nhà máy xử lý nước thải tập trung của cụm. Tuy nhiên, CCN làng nghề cơ kim khí Phùng Xá (do UBND xã Phùng Xá làm chủ đầu tư) vận hành hạn chế do khó khăn về chi phí vận hành. Theo kết quả quan trắc nước thải công nghiệp của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), nước thải tại các CCN thị trấn Phùng, Hà Bình Phương (Công ty CP DIA làm chủ đầu tư) và Ngọc Hồi (Ban quản lý dự án huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư) đạt quy chuẩn quốc gia QCVN 24:2009/BTNMT và đã được Sở TN-MT cấp giấy phép xả thải.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện có 4 CCN đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đó là CCN Duyên Thái (công suất 1.000m3/ngày đêm); CCN tập trung vừa và nhỏ Từ Liêm (công suất 3.500m3/ngày đêm); CCN làng nghề Vạn Phúc (1.000m3/ngày đêm) và CCN làng nghề Tân Triều (đã xây dựng nhưng chưa vận hành). Cùng với đó là 5 CCN có quy hoạch hệ thống xử lý nước thải, nhưng chưa triển khai xây dựng, gồm CCN Thanh Oai, CCN làng nghề Đám Sào Canh Nậu, CCN La Phù mở rộng, CCN làng nghề Di Trạch và CCN làng nghề Tân Hội. Đại diện các đơn vị chủ đầu tư cho biết, việc chậm triển khai đầu tư là do đang gặp khó khăn về vốn, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng và có cụm chưa lấp đầy diện tích cho thuê. Cũng theo thống kê của Sở TN-MT, hiện có 18 CCN đã có quy hoạch hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa triển khai đầu tư xây dựng và đặc biệt có 57 CCN trong quy hoạch chi tiết không quy hoạch hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, riêng trong số 57 CCN này chỉ có 28 CCN còn quỹ đất mở rộng để bổ sung hạng mục đầu tư trạm xử lý nước thải. Các cụm còn lại rất khó khăn do không còn quỹ đất. Kết quả quan trắc nước thải công nghiệp của Sở TN-MT Hà Nội tại các CCN này cho thấy nước thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường QCVN 24:2009/ BTNMT trước khi thải vào nguồn tiếp nhận.

Cùng với quan trắc nước thải, thời gian qua Sở TN-MT Hà Nội cũng thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT và tài nguyên nước với các DN. Kết quả cho thấy, nước thải công nghiệp của hầu hết DN đang hoạt động trong các CCN Trường An, Kim Chung (huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư), CCN Thanh Oai (Công ty CP Cơ khí xây dựng số 18 làm chủ đầu tư)… chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường QCVN 24:2009/BTNMT trước khi thải. Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, hiện nay mô hình quản lý các CCN trên địa bàn tập trung chủ yếu do cấp huyện, xã hoặc đơn vị sự nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng có sử dụng vốn ngân sách. Do đó, việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung cho các CCN là rất khó khăn. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác BVMT CCN, cần xem xét chuyển đổi sang Trung tâm phát triển CCN để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kinh doanh hạ tầng theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg (ngày 19-8-2009) của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý CCN và xem xét các CCN đã thành lập, xây dựng không quy hoạch hạng mục xử lý môi trường được mở rộng quy mô để tạo quỹ đất xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định. Cùng với đó, việc quy hoạch phát triển, thành lập, mở rộng CCN; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) trong CCN; quản lý hoạt động và quản lý nhà nước với CCN trên địa bàn thành phố phải tuân thủ nghiêm túc quy định tại Quyết định số 44/2010/ QĐ-UBND (ngày 10-9-2010) của UBND TP Hà Nội. Ngoài ra, các cơ quan liên quan cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT tại các CCN; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường năng lực và nâng cao ý thức BVMT trong quá trình SXKD, xây dựng và phát triển CCN theo hướng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu trầm trọng trạm xử lý nước thải tập trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.