Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu tiêu chí, khó áp dụng

Tuấn Khải| 21/08/2012 06:59

(HNM) - Sau ba năm thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hàng nghìn héc ta đã được giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng công trình.

Tuy nhiên, đòi hỏi từ phía người dân mà các cấp chính quyền không dễ giải thích và không thể giải quyết là đền bù GPMB sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Vì không giải quyết được vấn đề này nên nhiều dự án đã bị ách tắc…

Nhiều dự án bị ách tắc do chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thái Hiền

Theo UBND TP Hà Nội, sau khi Nghị định 69/2009 /NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực, từ ngày 1-10-2009 đến nay, TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại 523 dự án với tổng diện tích 1.372ha; đã GPMB (gồm cả dự án chuyển tiếp đang thực hiện dở dang trước Nghị định 69/2009/NĐ-CP) được trên 3.708ha đất, chi trả hơn 24.602 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ cho 83.893 hộ dân, bố trí tái định cư cho 3.414 hộ gia đình, cá nhân.

Đại diện Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội cho rằng, với Nghị định 69/2009/NĐ-CP, trong quá trình thực hiện đền bù, GPMB, việc lấy giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ đã được vận hành theo hướng linh hoạt. Các chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp được bổ sung, sửa đổi quan tâm nhiều hơn đến quyền lợi của người bị thu hồi đất. Trên cơ sở Nghị định 69, TP Hà Nội đã quy định áp dụng các mức hỗ trợ tối đa nhằm bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn. Nghị định 69 và các văn bản, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giúp TP có cơ sở giải quyết linh hoạt hơn về chính sách tái định cư, xử lý bố trí tái định cư được nhiều trường hợp có khó khăn về chỗ ở do có nhiều hộ gia đình, nhiều thế hệ, cặp vợ chồng phải di chuyển chỗ ở khi bị thu hồi đất hoặc trong trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không còn nhà, đất nào khác trên địa bàn nơi bị thu hồi đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, những quy định về trình tự cưỡng chế thu hồi đất trên địa bàn được quy định theo đúng Nghị định 69. Chỉ đạo chung của TP là coi trọng tuyên truyền, vận động và quan tâm vận dụng tối đa chính sách đối với hộ dân có đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật. Do đó việc cưỡng chế thu hồi đất về cơ bản không gây phức tạp về an ninh trật tự, bảo đảm công bằng, đáp ứng tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm của Chính phủ và TP.

Tuy nhiên, trong ba năm thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP, bên cạnh những mặt tích cực đã bộc lộ không ít bất cập khi vận dụng đền bù, GPMB và bố trí tái định cư. Nổi cộm là vấn đề thời điểm điều chỉnh giá đất (Điều 11 Nghị định 69). Theo quy định, việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để công khai chủ trương thu hồi đất, phát tờ khai, điều tra kiểm đếm… được thực hiện sau khi đã ban hành thông báo thu hồi đất. Khi tổ chức điều tra, lập phương án, nhiều trường hợp công dân không cho vào điều tra, khảo sát và đòi hỏi phải được công bố giá đất bồi thường, hỗ trợ trước gây cản trở công tác GPMB.

Theo Điều 11 Nghị định 69, giá bồi thường phải sát với giá chuyển nhượng trên thị trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, quy định trình tự, thủ tục để xác định mức giá bảo đảm nguyên tắc này chưa đủ căn cứ pháp lý để cấp tỉnh, thành phố thực hiện.

Tại cuộc họp giao ban công tác GPMB tổ chức giữa tháng 8-2012, đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết: Quận Tây Hồ đang triển khai GPMB 58 dự án nhưng động đến dự án nào là phức tạp dự án đó. Vướng mắc nhất là đơn giá đền bù. Ở những tuyến đường như Lạc Long Quân, đường xung quanh hồ Tây, Hoàng Hoa Thám… giá đất thực tế rất cao trong khi giá đền bù theo khung giá thấp. Chênh lệch lớn nên nhiều hộ bất hợp tác với Hội đồng đền bù GPMB. Dân nói giá đền bù phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường, nhưng thế nào là sát giá thị trường trong điều kiện bình thường thì các văn bản pháp quy liên quan chưa có hướng dẫn cụ thể. Mà cũng không có cơ quan nào đứng ra xác định rõ giá đất thị trường của khu vực đó, tại thời điểm đó là bao nhiêu? Những điều này đã gây khó khăn cho các cấp chính quyền địa phương. Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn nêu ví dụ: Một số đoạn thuộc dự án xây dựng đường Nội Bài - Nhật Tân, giá đất ngoài thị trường khá cao so với giá đền bù chỉ 4,5-5 triệu đồng/m2. Huyện Sóc Sơn đã báo cáo vướng mắc này lên TP nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trước những vướng mắc này, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 108/BC-UBND báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đó kiến nghị: Thứ nhất, khẳng định rõ tính pháp lý của thông báo thu hồi đất là căn cứ để UBND cấp quận, huyện triển khai tổ chức thực hiện các công việc họp dân, thông báo về cơ chế chính sách bồi thường hỗ trợ, GPMB sẽ áp dụng; đề xuất xem xét điều chỉnh chính sách giá, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất. Thứ hai, về chính sách giá bồi thường, hỗ trợ đất ở, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí và quy trình, thủ tục xác định lại giá đất sát giá thị trường trong điều kiện bình thường; quy định việc sử dụng các tổ chức tư vấn giá, tham khảo giá có giao dịch phổ biến trong khu vực phường, xã, thị trấn hoặc lân cận (không nhất thiết là giá giao dịch tại thời điểm thu hồi đất vì thực tế là rất ít có).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu tiêu chí, khó áp dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.