(HNMO) - Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) vẫn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng, trong khi nhu cầu xác nhận về nhân thân của công dân ngày một tăng cao, là thực trạng được phản ánh tại tọa đàm “Hai năm thực hiện Luật Lý lịch tư pháp LLTP” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 11-10.
Bà Đỗ Thúy Lan, Phó Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia lý giải, mặc dù Luật LLTP và Luật Thi hành án hình sự đã liệt kê rất cụ thể nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan trong việc cung cấp thông tin LLTP (án tích của người bị kết án hình sự và tình trạng thi hành để cấp cho người có yêu cầu nhằm xác nhận người đó có hoặc không có tiền án, tiền sự) để làm phiếu LLTP nhưng chưa quy định cơ chế phối hợp thực hiện. Do đó, nhiều địa phương, một số tòa án, cơ quan công an, chưa gửi thông tin LLTP cho Sở Tư pháp.
Ngay tại Hà Nội, lượng dữ liệu Sở Tư pháp Thành phố nhận được cũng ít, lại chậm, nhất là các quyết định thi hành án hình sự, thi hành án phạt tiền, án phạt tịch thu tài sản, án phí và nghĩa vụ dân sự của đương sự… Tại TP Hồ Chí Minh - địa phương thành lập phòng LLTP quy mô đầu tiên trong cả nước tình trạng khó khăn trong việc cập nhật thông tin LLTP cũng được phản ánh.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Trưởng phòng LLTP, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, gần đây, Sở đã tiếp nhận một số trường hợp đề nghị cấp Phiếu LLTP mà đương sự trước đây đã bị Tòa tuyên án, hiện nay đã chấp hành xong hình phạt hoặc được đặc xá nhưng không còn lưu giữ bản án, trích lục bản án. Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết nhưng cơ quan thi hành án không cung cấp được chứng từ về việc thi hành án dân sự (nếu có) và sổ sách, giấy tờ liên quan. Trong trường hợp này, Sở Tư pháp thiếu cơ sở xác nhận đương sự đã chấp hành xong toàn bộ bản án để từ đó xác định thời hạn xóa án tích hình sự trong phiếu LLTP. Hay ở TP Đà Nẵng, Sở Tư pháp nhận được 5.190 hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, trong đó đã cấp 5.081 hồ sơ, 109 hồ sơ đang trong quá trình xác minh. Tuy nhiên, tình trạng hồ sơ trễ hạn vẫn tồn tại, thời gian đầu tỷ lệ hồ sơ trễ hạn chiếm khoảng 20 - 25% tổng số hồ sơ cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.