Cải cách hành chính

Mở rộng thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên toàn quốc: Đáp ứng yêu cầu của chính phủ số, công dân số

Hà Phong 15/07/2024 - 06:16

Sau gần 3 tháng triển khai thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đề xuất mở rộng trên toàn quốc. Hoạt động này đánh dấu một bước tiến quan trọng về cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu của chính phủ số, công dân số.

doan-vien-thanh-nien-so-tu-.jpg
Đoàn viên thanh niên Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn công dân thực hiện cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Người dân ủng hộ

Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Nguyễn Văn Bốn cho biết, thời gian qua, công tác tổ chức triển khai cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại thành phố Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế được quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện tối đa. Đặc biệt, để thúc đẩy nhu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp của người dân trên ứng dụng VNeID, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, có chính sách hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp và hỗ trợ tối đa 10 phiếu Lý lịch tư pháp (bản giấy) cho người dân từ ngày 1-6-2024 đến hết ngày 31-12-2024.

Cùng với đó, thành phố đã lập nhóm Zalo để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc. Việc kết nối kỹ thuật giữa các hệ thống cơ bản đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đơn giản hóa quá trình thực hiện cho công dân và cơ quan hành chính nhà nước, tạo nhiều thuận lợi cho người dân.

Nhờ sự hỗ trợ này, số lượng hồ sơ thực hiện qua ứng dụng VNeID tăng từng ngày. Trưởng phòng Lý lịch tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội) Đặng Thạch Bích thông tin, trung bình mỗi ngày Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tiếp nhận từ 500 đến 600 hồ sơ. Triển khai hình thức tiếp nhận qua ứng dụng VNeID, công dân sẽ không phải đến Sở Tư pháp. Thủ tục và thành phần hồ sơ cấp phiếu tối giản hóa, chỉ bao gồm tờ khai yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp, trong đó có 17 trường thông tin nhân thân đã được xác thực và điền tự động. Công dân chỉ phải tích hoặc điền 6 trường thông tin.

Trực tiếp trải nghiệm dịch vụ mới mẻ này, chị Đàm Thị Lý (ở quận Long Biên) chia sẻ, dịch vụ cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID tiện ích và nhanh chóng. Kết quả được trả bằng bản điện tử trên ứng dụng VNeID, còn bản giấy gửi về nhà qua dịch vụ bưu chính. “Tiện nhất là tôi ngồi ở đâu cũng làm được, chỉ cần điện thoại, máy tính có kết nối internet. Sau khi đăng ký thực hiện qua VNeID, tôi còn theo dõi được cả quá trình giải quyết hồ sơ”, chị Đàm Thị Lý nói.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, số người chọn phương án yêu cầu cấp phiếu thí điểm theo hình thức mới lên đến 72%, cho thấy sự ủng hộ, đồng tình, hưởng ứng thực hiện của công dân và xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa về hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Số lượng công dân không đến trực tiếp tại trụ sở góp phần giảm áp lực cho đội ngũ công chức cũng như các chi phí phụ trợ phát sinh như điện, nước, cơ sở vật chất... Cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tra cứu, xác minh thông tin khi xử lý hồ sơ yêu cầu cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cũng không phải thực hiện qua nhiều phần mềm khác nhau như trước. Thay vào đó, cán bộ chỉ thực hiện trên một hệ thống với các phần mềm được kết nối với nhau, giúp giảm được thời gian và công sức.

chien-si-cong-an-thanh-pho-.jpg
Cán bộ Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến qua ứng dụng VNeID. Ảnh: Khánh Huy

Chuẩn bị điều kiện cần thiết để mở rộng thí điểm

Từ thành công bước đầu này, Bộ Tư pháp vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện mở rộng thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện có của địa phương quyết định thời gian thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID, nhưng không chậm quá ngày 31-12-2024.

Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn đánh giá, việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID là hướng đi đúng đắn giúp cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, nâng cao chất lượng phục vụ. Để nhân rộng mô hình này trên toàn quốc, ông Ngô Anh Tuấn đề xuất tiếp tục hoàn thiện quy trình thực hiện và cải tiến phần mềm; đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa phương chuẩn bị thực hiện.

Đánh giá cao tiện ích khi cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Huế cũng đề xuất, lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm phối hợp với Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố tiến hành các biện pháp để bảo đảm an toàn, an ninh mạng, hạ tầng công nghệ, bảo đảm cho việc mở rộng thí điểm trên toàn quốc.

Đón nhận thông tin trên, nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu nhiều như thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Cần Thơ, An Giang, Đồng Nai, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương... cũng mong muốn sớm triển khai, nhân rộng kết quả đạt được. Bởi hoạt động này không những tạo hiệu ứng lan tỏa về vai trò, tác dụng của việc ứng dụng công nghệ số vào việc cung cấp dịch vụ hành chính công, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên toàn quốc: Đáp ứng yêu cầu của chính phủ số, công dân số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.