Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu sân chơi, trẻ em bị “giam lỏng”...

Tuệ Diễm| 20/05/2016 07:13

(HNM) - TP Hồ Chí Minh có gần 10 triệu dân, trong đó có gần 2 triệu trẻ dưới 16 tuổi. Thế nhưng các khu vui chơi, sinh hoạt công cộng dành riêng cho trẻ lại thiếu trầm trọng khiến nhiều phụ huynh phải chọn cách “giam lỏng” con ở nhà với thiết bị công nghệ. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, việc ít vận động, giao tiếp, quá lệ thuộc vào thiết bị công nghệ có thể gây ra những hệ lụy khó lường cho trẻ nhỏ.

Lớp học nhảy với gần 100 trẻ tại Nhà văn hóa thiếu nhi quận 10.


Thiếu và quá tải

Mặc dù chưa đến hè, nhưng các nhà văn hóa thiếu nhi ở TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu quá tải. Tại nhà văn hóa thiếu nhi quận 10, đã có rất đông phụ huynh đăng ký cho trẻ tham gia khóa học, sinh hoạt hè. Mức học phí dao động 200.000 đồng - 400.000 đồng/trẻ cho 8 buổi học năng khiếu, vận động, mỗi buổi kéo dài 1,5 giờ. Chị Nguyễn Thu Giang, đăng ký cho 3 con sinh hoạt tại đây cho biết: "Trẻ đến sinh hoạt quá đông, đặc biệt là lớp học nhảy hiện đại, nhưng do diện tích nhà văn hóa giới hạn, một lớp có tới gần 100 trẻ học". Không riêng gì nhà văn hóa thiếu nhi Quận 10, mà các quận có nhiều cư dân, khu công nghiệp đều gặp phải tình trạng quá tải khi vào hè như nhà văn hóa thiếu nhi quận Thủ Đức, Gò Vấp, Quận 3.

Theo cơ quan chức năng, các địa điểm vui chơi quen thuộc của trẻ em ở TP Hồ Chí Minh đã được xây dựng khá lâu như: Thảo Cầm Viên, Đầm Sen, Suối Tiên. Nhưng ngoài Thảo Cầm Viên, hai điểm còn lại không gần trung tâm, đặc biệt Suối Tiên cách trung tâm thành phố gần 20km. Trong khi đó, các điểm vui chơi công cộng ở các công viên trong nội thành như: Lê Văn Tám, Lê Duẩn, Gia Định... lại không có nhiều sân chơi cho trẻ em, hoặc thiếu các trò chơi giúp trẻ tăng cường sự giao tiếp.

Theo Kiến trúc sư Lê Quang Ninh, giải pháp hữu hiệu nhất vừa tiết kiệm diện tích công cộng, lại vừa phân bổ trẻ hợp lý ở địa bàn dân cư là xây dựng điểm vui chơi cho trẻ tại các khu chung cư. Các khu chung cư hiện nay đều chưa chú ý đúng mức đến không gian sinh hoạt công cộng, trong đó có khu vui chơi cho trẻ em. Hiện TP Hồ Chí Minh có 1.244 chung cư đang hoạt động, nếu tất cả đều có khu vui chơi công cộng cho trẻ thì sẽ giải quyết được phần không nhỏ nhu cầu của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Hoài, ngụ tại phường An Khánh - An Phú cho biết: "Các khu chung cư xây dựng xung quanh gia đình tôi đều không có không gian sinh hoạt cho trẻ, các dịch vụ mở ra chủ yếu dành cho người lớn như phòng tập gym, yoga. Muốn có chỗ cho con chơi tôi đành đưa cháu ra bãi đất trống ở Quận 2 để thả diều. Năm ngoái, khi xảy ra vụ tai nạn một trẻ bị diều cuốn lên cao rồi tử vong, tôi cũng không dám đưa con đi thả diều nữa".

Để giải quyết tình trạng thiếu khu vui chơi cho trẻ, năm 2014, UBND TP Hồ Chí Minh có chủ trương kêu gọi tư nhân đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư không muốn vào cuộc vì xây dựng khu vui chơi cho trẻ cần diện tích lớn, nhân sự đông mà thu lời chậm. Một số nhà đầu tư tư nhân đã bỏ tiền xây khu vui chơi, giải trí trong tòa nhà cao tầng như: Kidsyard, Bé và Bạn... Tuy nhiên do kinh phí khá cao (45.000 đồng/giờ chơi) nên không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện đưa con đến chơi.

"Giam lỏng" bằng thiết bị công nghệ

Cũng bởi các sân chơi thiếu nhi thiếu trầm trọng nên nhiều gia đình đã chọn phương pháp an toàn nhất là "giam lỏng" trẻ trong phòng trọ, trong căn nhà chật hẹp. Năm trước, chị Ngô Thu Trang (công nhân khu công nghiệp Tân Bình) đã phải để con ở nhà một mình với chiếc điện thoại. Năm nay, chị tiếp tục dự định để con ở nhà một mình dù biết việc cho con dùng điện thoại sớm là không tốt nhưng không còn cách nào khác.

Tiến sĩ tâm lý Ngô Xuân Điệp - Trưởng khoa Tâm lý - Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết: Đáng ra, hè là thời điểm trẻ em được nghỉ ngơi, tăng cường vận động thì nhiều phụ huynh lại hạn chế. Trẻ bị nhốt trong nhà trong kỳ nghỉ hè sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về tâm lý phức tạp. Đáng báo động hơn, theo Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, những trẻ vừa không được ra ngoài, vừa tiếp xúc với thiết bị điện tử sẽ bị nghiện, bị lệ thuộc vào thiết bị điện tử. Và thay vì dùng trí não tưởng tượng cuộc sống xung quanh thì trẻ chỉ lại tập trung suy nghĩ, tưởng tượng về trò chơi điện tử và tìm cách sử dụng thiết bị điện tử. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ không có động cơ giao tiếp bên ngoài, không phát triển, ứng xử theo chuẩn mực xã hội thông thường. Nguy cơ xa hơn nữa là có thể bị rối loạn tâm thần. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu sân chơi, trẻ em bị “giam lỏng”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.