Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu quy định gắn nhãn mác xuất xứ hàng hóa: Kẽ hở cho gian lận thương mại

Linh Nhi - Vũ Dung| 04/07/2019 08:03

(HNM) - Gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc doanh nghiệp sử dụng hàng xuất xứ từ nước khác nhưng gắn mác hàng "Made in Vietnam" để đánh lừa người tiêu dùng. Hiện tượng gian lận thương mại này ngày càng tăng, không những gây thiệt hại về kinh tế đất nước, mà còn làm mất lòng tin ở người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận. Báo Hànộimới đã ghi nhận một số ý kiến về việc này.

Việc xây dựng quy định ghi rõ nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam giúp hạn chế gian lận thương mại. Ảnh: Khuê Diệp

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương):
Cần thiết xây dựng quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam

Trong các điều khoản cam kết của các nước tham gia Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, điều khoản về truy xuất nguồn gốc sản phẩm được đặt lên hàng đầu để nhận được ưu đãi. Nếu phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam, hoặc nguyên liệu "đầu vào" không được nhập từ nước thứ 3 (cho phép), thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật hoặc cấm nhập.

Gần đây xuất hiện tình trạng hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, được các doanh nghiệp nhập về gắn mác "Made in Vietnam" để tiêu thụ, gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu Việt. Trong khi đó, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.

Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là rất cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Chế tài xử phạt tại các nước quy định mức phạt rất cao với hành vi cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa, có nước phạt tới 100.000 euro.

Bà Trần Thiên Kim (quận Hoàn Kiếm):
Cần quyết liệt chống tình trạng gian lận thương mại

Những “lùm xùm” tương tự vụ việc thương hiệu Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc, cắt nhãn nơi sản xuất và gắn thương hiệu "Khăn lụa Khaisilk" theo tôi là hành vi gian lận thương mại. Được biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước với việc nhập khẩu các sản phẩm sản xuất tại nước khác, nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán tại Việt Nam đối với các doanh nghiệp có hành vi tương tự.

Sau đó đề xuất các biện pháp chống thất thu, nợ đọng thuế, chống chuyển giá, trốn thuế. Là một người tiêu dùng, tôi mong muốn các đơn vị chức năng cần quyết liệt hơn nữa để phòng chống tình trạng gian lận thương mại đang diễn ra tràn lan trên thị trường hiện nay. Đồng thời, có những biện pháp cụ thể bảo đảm quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh.

Chị Trần Huyền Trang (quận Hai Bà Trưng):
Sớm ngăn chặn việc gắn nhãn mác giả hàng Việt Nam

Tôi luôn tự hào là người Việt Nam và tôi cũng ưa thích những sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi đã tích cực vận động gia đình, họ hàng, bạn bè cùng hưởng ứng. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, hàng hóa Việt Nam được sản xuất trên dây truyền công nghệ hiện đại, chất lượng nhiều mặt hàng sánh ngang với quốc tế và xuất khẩu. Lẽ ra các doanh nghiệp Việt phải lấy lòng tự tôn dân tộc để sản xuất, kinh doanh đưa thương hiệu hàng Việt “lên ngôi”, hướng đến xuất khẩu ngày càng nhiều.

Nhưng đáng tiếc vì chạy theo lợi nhuận, một số doanh nghiệp làm ngược lại, ngang nhiên mua hàng hóa nước ngoài giá rẻ về gắn nhãn mác hàng Việt Nam. Điều này khiến cá nhân tôi và nhiều người yêu và tin tưởng hàng Việt vô cùng bất bình, bởi hành vi gian lận thương mại này không chỉ gây hậu quả trực tiếp đến người tiêu dùng, mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Mong rằng các cơ quan chức năng có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất và gắn nhãn mác các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật HILAP (quận Thanh Xuân):
Việc giám sát quá trình sản xuất, dán nhãn hàng hóa còn lỏng lẻo

Hiện tượng gian lận thương mại ngày càng tăng, đặc biệt là đối với hành vi dán nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là vụ việc lụa Khaisilk năm 2017. Điểm mấu chốt của vụ việc này là cá nhân, pháp nhân đã có những hành vi liên quan đến đánh tráo khái niệm: Hàng Việt Nam nhưng thực ra là sản xuất từ Trung Quốc. Đây là hình thức lợi dụng lòng tin từ người tiêu dùng, sự e ngại của người tiêu dùng vào hàng Trung Quốc...

Điểm e, Khoản 8, Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định: Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa tùy mức độ vi phạm có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, pháp nhân vi phạm tội danh trên cũng sẽ bị xử phạt từ 6 tỷ đến 9 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm. Đây có thể coi là mức xử phạt khá nặng đối với các pháp nhân cũng như cá nhân. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy do chưa có quy định cụ thể việc gắn nhãn mác hàng hóa và việc giám sát quá trình sản xuất, dán nhãn hay kiểm tra số lượng xuất nhập khẩu vẫn còn khá lỏng lẻo, nên vi phạm còn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu quy định gắn nhãn mác xuất xứ hàng hóa: Kẽ hở cho gian lận thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.