Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu phối hợp, thừa rắc rối

Vân Vũ| 03/05/2012 06:49

(HNM) - Trước kỳ nghỉ lễ, Bộ GD-ĐT ban hành liên tiếp 6 quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 1 trường CĐ và 5 ngành học của 5 cơ sở đào tạo khác.


Mặc dù Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đã quy định rất rõ ràng thời điểm kết thúc nhận hồ sơ: Trước ngày 16-4 tại các sở GD-ĐT và trước ngày 23-4 tại các cơ sở đào tạo, nhưng "oái oăm" thay, quyết định dừng tuyển sinh của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 27-4, tức là chỉ sau thời hạn cuối cùng có 4 ngày. Không rõ "ông" thanh tra bắt đầu triển khai nhiệm vụ tại các Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Hà Nội, ĐH Phú Xuân, ĐH Yersin Đà Lạt, CĐ Kỹ thuật Quảng Ngãi, ĐH Thành Tây, CĐ Bách Nghệ Tây Hà từ thời điểm nào, song chắc cũng không đến mức phải "làm ngày, làm đêm" để ban hành quyết định dừng tuyển sinh "muộn" 4 ngày như vậy. Bởi vậy, khi quyết định dừng tuyển sinh được công bố, dư luận lập tức lên tiếng về thời điểm ban hành và đặt câu hỏi phải làm thế nào để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh (TS). Có lẽ nhận thấy những vấn đề dư luận đặt ra là đúng đắn, Bộ GD-ĐT đã phải làm việc trong cả thời gian nghỉ lễ để ký ban hành văn bản hướng dẫn về việc kéo dài thời hạn đăng ký dự thi cho TS vào chiều tối ngày 29-4. Thực hiện chỉ đạo này của Bộ, các sở GD-ĐT địa phương, các ĐH, trường ĐH, học viện... sẽ phải làm thông báo cho TS đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh để TS biết và đăng ký lại; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho TS đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào ngành bị đình chỉ tuyển sinh được đăng ký lại hồ sơ đăng ký dự thi hoặc cho phép TS rút hồ sơ đăng ký dự thi đã nộp để đăng ký sang trường khác. TS không phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào cho việc đăng ký lại; nếu rút hồ sơ để đăng ký sang trường khác còn được hoàn trả lệ phí đăng ký dự thi và lệ phí dự thi. Thời hạn để các đơn vị triển khai những việc "phát sinh" này kéo dài đến ngày 7-5 tại sở GD-ĐT và đến ngày 12-5 tại các cơ sở đào tạo.

Có một điều mà có lẽ những người làm thanh tra không "thấu hiểu". Đó là, 4 trong 6 cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh hoàn toàn tuyển sinh theo hình thức xét tuyển. Điều này có nghĩa là TS sẽ dự thi tại bất kỳ một trường ĐH, CĐ nào đó theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, sau đó dùng kết quả của kỳ thi này để dự xét tuyển. Vì vậy, để triển khai công văn của Bộ GD-ĐT, tất cả các sở GD-ĐT và hơn 200 đơn vị tổ chức thi đều phải rà soát dữ liệu để tìm xem nhỡ có dù một TS thuộc diện này để thông báo, hướng dẫn đăng ký lại, cho rút hồ sơ... Những việc này làm mất thời gian, công sức của biết bao người, gây tâm lý không tốt cho TS và kéo dài thời gian chuẩn bị cho công tác tuyển sinh. Những năm trước, thời hạn các sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ, dữ liệu tuyển sinh cho các trường được thực hiện vào ngày 5-5 tại Hà Nội, ngày 7-5 tại TP Hồ Chí Minh. Năm nay, vì việc đình chỉ tuyển sinh, cả hệ thống phải dừng chờ thêm 5 ngày nữa.

Nhưng dường như, Thanh tra Bộ chưa ý thức được điều này, thậm chí có khi còn có quan niệm rằng, đến ngay cả đang đào tạo, nếu có "vấn đề" vẫn bị "tuýt còi", nay mới là khâu chuẩn bị tuyển sinh thì sao lại không thể? Bởi, được biết, ngày 2-5, Thanh tra Bộ lại muốn ra thêm quyết định dừng tuyển sinh. Đến mức này, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng "thành tích" thanh tra quan trọng hơn sự ổn định của cả xã hội?

Vẫn biết, đình chỉ tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo không đạt chuẩn là Bộ GD-ĐT mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể vẫn đạt mục tiêu quản lý chất lượng mà không làm ảnh hưởng tới cả một hệ thống đang "chạy" những bước cuối cùng chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng nhất trong năm nếu có sự phối hợp chặt chẽ và bao quát hơn trước khi ban hành quyết định. Đây có lẽ không phải lần đầu tiên các quyết định của Bộ GD-ĐT được chuẩn bị bởi các bộ phận tham mưu khác nhau thiếu "ăn khớp". Hậu quả dù lớn, dù nhỏ, thì tình trạng "mạnh ai nấy làm" lẽ ra không nên có ở một cơ quan quản lý nhà nước như Bộ GD-ĐT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu phối hợp, thừa rắc rối

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.