(HNMCT) - Bối cảnh đúng, đẹp góp phần không nhỏ làm nên thành công của một bộ phim. Tuy nhiên, việc “săn” được bối cảnh đẹp tốn rất nhiều thời gian, công sức, là khó khăn, thử thách cho ê kíp làm phim, nhất là trong điều kiện thiếu phim trường chuyên nghiệp như hiện nay.
Long đong tìm bối cảnh
Mới đây, họa sĩ Trương Đức Thắng của đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” đã bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng vì tô vẽ lên giếng cổ tại làng cổ Đường Lâm. Trước đó, ngày 7-11, đoàn làm phim "Chuyện làng Bồm" đã đến Đường Lâm để quay phim Tết và người của đoàn đã tự ý tô vẽ màu lên giếng cổ cạnh đình Mông Phụ. Giếng cổ này nằm trong khu vực bảo vệ cấp 1, phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian, tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa. Việc xử phạt họa sĩ cũng như đoàn làm phim là lời nhắc nhở chung bởi làng cổ Đường Lâm là nơi được nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh.
Nhìn rộng ra, chuyện của đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” chỉ là một trong nhiều ví dụ về những chuyện “dở khóc, dở cười” của các đoàn làm phim trong quá trình đi tìm bối cảnh. Mặc dù đề tài làng quê với những câu chuyện có hơi hướng xưa cũ, lấy xưa nói nay khá phổ biến nhưng để tìm được nơi còn giữ nguyên vẻ đẹp thuần chất của làng quê Bắc Bộ xưa kia với nhà làm phim lại là điều không dễ, bởi làng quê đã thay da đổi thịt, hiếm nơi còn giữ dáng vẻ xưa. Quay phim ở làng cổ thì lại “vướng” các quy định về bảo vệ di sản...
Cách đây mấy năm, đạo diễn, NSND Việt Hương khi làm bộ phim ca nhạc “Vọng nguyệt” cũng phải long đong đi tìm bối cảnh. Chị chia sẻ: “Mình muốn quay cảnh dòng sông êm ả của Đồng bằng Bắc Bộ mà tìm mãi mới được một đoạn sông ở Bắc Giang, nhưng cũng chỉ quay được một góc thôi, nhích đi một tí là vào chỗ thuyền bè người ta đang khai thác cát, vẻ đẹp thơ mộng ở bến sông bị phá hết. Hay để quay cảnh làng nghề dệt lụa cổ, chúng tôi tìm về Vạn Phúc thì trong sự phát triển mọi thứ xây mới cả rồi, nhà cửa san sát không thể quay được nữa, vì vậy tôi phải quay ở Cố Viên Lâu (Ninh Bình). Tôi phải mượn đạo cụ cổ của làng Vạn Phúc rồi nhờ 2 nghệ nhân của làng đi theo cố vấn để đảm bảo vừa đúng nhưng lại phải đẹp”.
Cùng chung cảnh ngộ, để tái hiện cảnh một làng quê Bắc Bộ đẹp trong phim “Thương nhớ ở ai”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cùng ê kíp đã phải lặn lội khảo sát và ghi hình tại 18 ngôi làng ở 6 tỉnh. Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang từng chia sẻ rằng chị cũng phải “săn” rất nhiều nơi, mỗi chỗ lấy một chi tiết mới ra được hình ảnh một ngôi nhà cổ ở Hà Nội...
Khó khăn vì thiếu phim trường
Để có được bộ phim có bối cảnh lạ, độc đáo, nhiều nhà làm phim phải dấn thân vào cuộc “săn tìm”. Nổi tiếng là người cầu kỳ trong việc tìm bối cảnh và tạo ra những khung hình như mơ trên màn ảnh rộng, đạo diễn Victor Vũ chia sẻ anh từng suýt chết khi leo núi vào hang Tú Làn (Quảng Bình) để quay phim “Người bất tử”. Còn đạo diễn Lương Đình Dũng cũng phải lặn lội ở đồi Minh Ngọc, Bắc Mê (Hà Giang) suốt 1 tháng trời để quay “Cha cõng con”. Ngày nào ê kíp cũng phải leo lên đỉnh núi với thời gian di chuyển trung bình 30 - 45 phút...
Tuy nhiên, khó khăn nhất lại đến với những bộ phim cần bối cảnh đặc trưng như phim cổ trang, phim kỳ ảo, phim về đời sống nông thôn cách đây 30 - 40 năm. Đạo diễn, NSND Việt Hương chia sẻ: “Cái khổ nhất khi làm phim cổ trang bây giờ là bối cảnh tự nhiên không còn, nhiều đoàn làm phim điều kiện kinh phí eo hẹp nên phải dựa trên cái đã có rồi “chấm phẩy” sửa sang tiền cảnh, hậu cảnh, đắp điếm thêm thì mới có thể làm được. Đó là áp lực rất lớn cho ê kíp làm phim”.
Hiện nay, gần như không có phim trường có khả năng đáp ứng cho nhiều bối cảnh phim khác nhau. Nhiều nhà làm phim tận dụng phim trường "nhỏ lẻ" do tư nhân đầu tư, chủ yếu phục vụ nhu cầu chụp ảnh của công chúng, hay một số khu nghỉ dưỡng để làm phim nên ở khá nhiều phim truyền hình, khán giả dễ dàng nhận thấy sự trùng lặp về bối cảnh, dẫn đến nhàm chán. Đúng như đạo diễn hình ảnh Quyết Trần nhận xét, bối cảnh chính là điểm mấu chốt trong kịch bản. Cái khó trong việc tìm, tạo dựng bối cảnh là một rào cản khiến phim Việt thiếu tính đa dạng.
Nhìn sang các nước có nền điện ảnh phát triển, phim trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo tính đa dạng của nền điện ảnh, cho phép nhà làm phim có thể thực hiện những cảnh quay đặc biệt. Nhiều phim trường ở Hàn Quốc, Trung Quốc còn trở thành điểm tham quan thu hút rất đông du khách. Nếu có những phim trường đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của các nhà làm phim, tin chắc sẽ không còn trường hợp họa sĩ bị phạt vì tô vẽ di tích, và nhà làm phim có thể thỏa sức sáng tạo với những bộ phim đủ thể loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.