(HNM) - Muốn hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) không thể không thực hiện tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường. Song, do nhiều nguyên nhân, khả năng các huyện ngoại thành của Hà Nội khó đạt mục tiêu đến năm 2015 có 60% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, đặc biệt là huyện Phúc Thọ.
Thời điểm này, đi tới đâu cũng được nghe người dân huyện Phúc Thọ than phiền về tình trạng thiếu nước sạch kéo dài, nhất là vào mùa khô. Ông Hà Xuân Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trạch Mỹ Lộc cho biết: "Nước sạch là vấn đề hết sức quan trọng, thế nhưng lâu nay người dân trong xã chưa có nước sạch từ công trình cấp nước tập trung". Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của 1.687 hộ dân với hơn 7.100 nhân khẩu nơi đây vẫn thường sử dụng từ giếng khoan, giếng đào. Vài năm trở lại đây, một số gia đình có điều kiện kinh tế khá đã chủ động mua thiết bị lọc nước nhưng đại bộ phận dân nghèo vẫn thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện xã Trạch Mỹ Lộc đang phấn đấu để hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM trong năm 2014. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, không thể không hoàn thành tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường. Hiện tại, toàn xã mới có khoảng 87% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh, một chỉ tiêu quá thấp so với mục tiêu chung của toàn thành phố.
Không riêng xã Trạch Mỹ Lộc, một bộ phận không nhỏ người dân các xã khác trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng chưa được sử dụng nước sạch. Có những vùng nước giếng khơi, giếng đào bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng người dân vẫn phải sử dụng vì không có nguồn nước khác. Thực tế, trên địa bàn huyện có một số công trình trạm cấp nước tập trung tại xã Võng Xuyên, Tam Hiệp, thị trấn Phúc Thọ... nhưng công suất nhỏ hoặc đầu tư xây dựng dở dang chưa đưa vào vận hành khai thác dẫn đến tình trạng có trạm cấp nước mà người dân vẫn "khát"...
Khảo sát thực tế và làm việc với một số xã của huyện Phúc Thọ, được biết thời gian qua, HĐND huyện đã ban hành nghị quyết, phấn đấu kết thúc năm 2013, 100% dân số trên địa bàn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó 30,4% sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy vậy, đến nay tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 94%, nhưng chủ yếu từ công trình giếng khoan, giếng đào. Chỉ có khoảng 12.000 người dân được cung cấp nước từ mạng lưới cấp nước đô thị và công trình cấp nước sạch tập trung. Nếu so với dân số của huyện (180.500 người), tỷ lệ được sử dụng nước sạch như vậy là quá thấp.
Theo đánh giá của huyện Phúc Thọ, thực trạng này có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo quy hoạch nước sạch của huyện, các xã Thọ Lộc, Tích Giang, Phúc Hòa, Ngọc Tảo, Phụng Thượng, Võng Xuyên, Trạch Mỹ Lộc, Phương Độ và thị trấn Phúc Thọ được đấu nối vào trục cấp nước của Nhà máy Nước Sơn Tây; các xã Long Xuyên, Thượng Cốc, Vân Nam, Vân Phúc, Xuân Phú được đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho khoảng 33.000 người dân. Còn tại xã Hiệp Thuận và Liên Hiệp, Sở NN&PTNT triển khai đầu tư công trình cấp nước sạch liên xã thuộc Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới TP Hà Nội giai đoạn 2013-2017 với tổng mức đầu tư 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù số dự án khá nhiều nhưng đều khó triển khai do thiếu vốn, thủ tục đầu tư rườm rà, phức tạp. Bức xúc nhất là các xã dọc quốc lộ 32, theo quy hoạch đấu nối với mạng lưới cấp nước đô thị của Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây. Qua tổng hợp của Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ, địa phương này đã đầu tư 30 tỷ đồng lắp đặt hệ thống đường ống nước sạch nhưng số hộ dân được sử dụng nước sạch chỉ khoảng 7.990 hộ của xã Sen Chiểu và thị trấn Phúc Thọ.
Trước nhu cầu cấp thiết về nước sạch và bảo đảm tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, tránh lãnh phí nguồn vốn đầu tư, UBND huyện Phúc Thọ vừa đề nghị thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây hoàn thiện dự án công trình nâng công suất hệ thống cấp nước Sơn Tây từ 20.000m3/ngày đêm lên 30.000m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch cho người dân trong huyện... góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.