Cô gái trẻ chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, ảo giác, co giật vật vã, tổn thương tim.
Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại đây đang điều trị 2 ca ngộ độc cấp tính ma tuý đá rất nặng, tổn thương tim mạch nghiêm trọng
Trong đó, nữ bệnh nhân Trần Thị Cẩm T. (16 tuổi, quê Kiên Giang) chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai ngày 4-1 trong tình trạng hôn mê, huyết áp tụt, co giật, kích thích vật vã, tim tổn thương do sốc ma tuý đá.
Đến nay sau hơn 10 ngày điều trị, sức khoẻ bệnh nhân đã tiến triển nhưng hỏi gì cũng ngơ ngác, luôn trả lời “không biết, không nhớ gì”, thậm chí có bố chăm sóc kề bên nhưng em cũng không nhận ra. Bác sĩ cho biết, để bệnh nhân trở về bình thường, sẽ cần thời gian dài.
Dù sức khoẻ đã dần hồi phục nhưng hỏi gì T. cũng không biết, không nhớ. Ảnh: T.Hạnh |
Ông Minh (bố T.) cho biết, cách đây 5 tháng, con gái xin ra Hoà Bình bán mỹ phẩm, hằng tháng đều đặn gọi điện về nhà thông báo công việc tốt và gửi về cho bố mẹ gần 3 triệu đồng khiến ai cũng yên tâm.
“Đùng cái gia đình nhận được điện thoại báo con bị nguy kịch, ngộ độc nặng. Đi tàu xe 3 ngày mới ra đến Hà Nội, nhìn thấy con vẫn hôn mê bất tỉnh. Đến ngày thứ 6 cháu tỉnh lại nhưng vẫn không biết bố là ai”, ông Minh chia sẻ.
Theo lời ông Minh, T. vốn ngoan ngoãn, tháo vát, không bao giờ tụ tập chơi bời. Đến giờ gia đình không rõ T. dùng ma tuý đá từ bao giờ và vì sao lại “dính” đến loại ma tuý này.
60% sốc ma tuý đá tử vong
Trường hợp còn lại là nam bệnh nhân 41 tuổi, có tiền sử dùng ma tuý đá 4 năm, từ Hải Dương chuyển lên.
Theo lời kể của gia đình, tối 5-1, bệnh nhân đi chơi về và đóng kín cửa phòng. Sáng hôm sau không thấy dậy, bố mẹ liền phá khoá phòng, phát hiện con đang lên cơn vật vã, môi tím tái.
Trên đường chuyển đến bệnh viện tỉnh cấp cứu, nam bệnh nhân đã có lúc ngừng tim, sau đó đập trở lại và được chuyển thẳng tới Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim, suy thận, rối loạn đông máu. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán nhồi máu cơ tim với ít nhất 3 vị trí tắc tại mạch vành.
Tình trạng nam bệnh nhân tại Hải Dương vẫn đang rất nguy kịch sau sốc ma tuý đá. Ảnh: T.Hạnh |
Sau khi phẫu thuật “thông” mạch, bệnh nhân vẫn đang tiếp tục theo dõi tổn thương cơ tim, tổn thương não và thận rất nặng, tiên lượng dè dặt.
Bác sĩ Nguyên cho biết, trước đây trung tâm chủ yếu tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin, mỗi tháng vài ca. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm chỉ còn vài trường hợp, thay vào đó là các ca ngộ độc ma tuý thế hệ mới như: Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, ma túy dạng thấm (LSD).
Trước đây các ca nhập viện vì ma túy đá chủ yếu là loạn thần, ảo giác, kích thích, không ghi nhận tử vong, nhưng giờ bệnh nhân nặng hơn, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, huyết áp, đe dọa tính mạng, ít nhất đã có 2 trường hợp tử vong.
Bác sĩ Nguyên cho biết, khi vào cơ thể, ma tuý đá amphetamin tấn công trực tiếp vào tim mạch gây tổn thương tim, co mạch khiến trên 60% bệnh nhân tử vong, ngoài ra còn tấn công thận gây suy thận, tấn công hệ thần kinh…
Hầu hết các bệnh nhân khi nhập viện đều trong tình trạng kích thích, vật vã không kiểm soát được, hoang tưởng, có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Thực tế có trường hợp đã nhảy lầu vì ảo giác.
Theo bác sĩ Nguyên, bệnh viện chỉ là nơi điều trị triệu chứng, còn để cách ly được với nguồn chất gây nghiện cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người bệnh. Nếu dùng lâu dài, các chất gây nghiện này sẽ gây rối loạn tâm thần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.