(HNM) - Nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi trí tuệ quốc tế, nhiều nhà khoa học trở thành chuyên gia hàng đầu ở các viện nghiên cứu, trường ĐH của nước ngoài cho thấy trí tuệ người Việt có thể đạt tầm cao thế giới. Nhưng đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển, vì sao?
Con số "biết nói"
GS Ngô Bảo Châu - người vừa làm rạng danh nền toán học Việt Nam với giải thưởng Fields - chia sẻ rằng: "Chỉ cần nhìn vào thống kê công bố khoa học là có thể hiểu tình hình chung của nghiên cứu khoa học trong nước".
Thực trạng trên được GS Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt) cho biết cụ thể: Tổng số công bố quốc tế của Việt Nam hiện nay chưa bằng một trường ĐH của Thái Lan, như Chulalongkorn hay Mahidol. Đã thế, gần 80% bài báo của Thái Lan do người Thái làm tác giả đầu mối, ta chỉ có 34%. Công bố quốc tế của Thái Lan gắn với đào tạo ĐH (95% từ các trường ĐH so với 55% của ta), với thực tiễn đời sống và sản xuất. Việt Nam cũng dồn sức đầu tư cho các đề tài ứng dụng thực tiễn, song đầu ra trên các diễn đàn khoa học quốc tế lại rất thưa thớt. Những con số này rõ ràng gợi lên nhiều suy ngẫm.
Theo nhiều nhà khoa học, trong khi các hoạt động khác đã tuân theo quy luật kinh tế thị trường khá rõ thì khoa học, công nghệ (KHCN) hầu như vẫn nằm ngoài "sân chơi" ấy. Theo đó, bất cập có thể cho là lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề tài chính cho KHCN, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến quá trình sáng tạo của trí thức khoa học. Cụ thể là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước mỗi tháng được phụ cấp vài trăm nghìn đồng và phải làm nhiều việc mà không có thư ký. Thêm nữa, thành viên dự hội thảo khoa học dù cấp cơ sở hay cấp Nhà nước thì cứ "kẻ chỉ" mà cấp theo chế độ 50.000-70.000 đồng/người... Vậy mới có chuyện hội thảo thực ra chỉ làm nửa ngày nhưng đại biểu phải ''tốn" 4-5 chữ ký, nghĩa là "kéo dài" hội thảo ra hai ngày để "có" 200.000 - 300.000 đồng. Tất cả những khoản "thêm" này không phải tự dưng có mà đều phải "chẻ nhỏ" từ kinh phí của đề tài... Những chủ trương "trải thảm đỏ", "chiêu hiền đãi sĩ" đã có từ lâu nhưng giới khoa học cho rằng vẫn vướng điều gì đó để có thể thực sự đi vào đời sống.
Ngoài ra, khoa học nước nhà đang đứng trước "căn bệnh" thiếu tin tưởng lẫn nhau. Nhà khoa học không tin nhà quản lý khoa học công tâm. Ngược lại, nhà quản lý lại không tin trí thức khoa học nghiêm túc... Dường như, câu chuyện này đã kéo dài nhiều năm và phủ bóng vào hầu khắp các lĩnh vực khoa học, khiến nhiều người phải "chuyển hướng" theo cách thay vì đam mê cống hiến sang coi danh vị khoa học là nấc thang thăng tiến.
Phi trí bất hưng
5 năm trở lại đây, Bộ KHCN đã có không ít chính sách nhằm thay đổi mô hình hoạt động KHCN nước nhà. Đó là phát triển thị trường công nghệ; trao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan khoa học công lập; doanh nghiệp KHCN; lập Quỹ KHCN quốc gia nhằm "cởi trói" phần nào cho cơ chế tài chính cứng nhắc đã áp dụng lâu nay khi nghiên cứu đề tài, dự án KHCN. Những điều chỉnh này bước đầu phát huy tác dụng và kích thích sự sáng tạo của một bộ phận nhà khoa học năng động. Nhưng nếu xét tổng thể, "khởi động" của riêng Bộ KHCN vẫn chưa đủ.
GS Ngô Bảo Châu cho biết, nền KHCN và giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay muốn phát triển thì những người có trách nhiệm ở các trường ĐH, từ trưởng khoa đến hiệu trưởng nên có ý thức đi tìm những cán bộ khoa học sung sức, có năng lực về làm cho mình và tìm cách đãi ngộ họ tốt nhất có thể thay vì khẩu hiệu chung chung là "có ai giỏi về bọn mình nhận ngay". Có một đội ngũ nhà khoa học trẻ, sung sức, có năng lực là chuyện sống còn của một trường ĐH hay cơ quan nghiên cứu. Các cơ quan này ở Mỹ, nổi tiếng như Havard, Princeton thường tự tìm người về làm cho mình chứ không "ngồi đợi" như cách làm của nhiều cơ quan nghiên cứu nước ta hiện nay.
Trong khuôn khổ Festival "Sáng tạo trẻ toàn quốc" lần thứ 2 tổ chức gần đây, 600 nhà khoa học trẻ đều thống nhất ý kiến rằng thực tế hiện nay có nhiều tài năng trẻ nhưng họ không có môi trường để phát triển. Họ kiến nghị cần loại bỏ cơ chế cào bằng trong trọng dụng tài năng, loại bỏ chủ nghĩa kinh viện, tuổi tác quan trọng hơn logic khoa học. Dù chưa thể nâng cấp đồng loạt chế độ đãi ngộ cho các đối tượng cùng lúc nhưng cần phải xem xét đãi ngộ bộ phận nào trước, bộ phận nào sau. Nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi lại quy trình bổ nhiệm công chức hiện nay nếu không tình trạng "chảy máu chất xám" ở các cơ quan khoa học sẽ trầm trọng hơn. Thiếu rừng thì hổ sẽ đi - Nói hình tượng thì "hổ" (trí thức khoa học) sẽ không gắn bó với khoa học nếu thiếu "rừng", ở đây là chuyện đãi ngộ, cơ hội đào tạo lên cao hơn và môi trường làm việc dân chủ, khoa học...
Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt 651 tỷ đồng cho Chương trình trọng điểm phát triển toán học 2010-2020 để đưa nền toán học Việt Nam hiện đang ở vị trí 50-55 thế giới lên vị trí thứ 40 vào năm 2020. Ngoài ra, Chính phủ cho phép thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán nhằm hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo đỉnh cao về Toán học cho các giảng viên ĐH, các nhà toán học, các tân tiến sĩ, các nghiên cứu sinh đến thực hiện các ý tưởng, các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc, có ý nghĩa khoa học và ứng dụng cao.
GS-TSKH Ngô Việt Trung (Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam) khẳng định với Báo Hànộimới rằng: "Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán" thành lập mở ra tia sáng cho thế hệ trẻ thấy rằng họ vẫn có thể theo đuổi con đường khoa học, được Nhà nước quan tâm. Nếu làm tốt, mô hình này sẽ giúp ích cho những môn khoa học cơ bản khác". Điều đó cho phép những trí thức Việt trẻ đang ở tầm cao của thế giới như GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn (ĐH Tổng hợp Rutgers - Hoa Kỳ), GS Đàm Thanh Sơn (ĐH Washington - Hoa Kỳ)... và nhiều nhà khoa học khác có điều kiện tốt hơn phụng sự cho quê hương đất nước. Có thể nói, cùng với việc thành lập Quỹ KHCN quốc gia, thành lập Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán cho thấy "rào cản" tài chính và những thủ tục hành chính cứng nhắc, không còn phù hợp bước đầu đã được "xé rào".
Cách đây gần 300 năm, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) khẳng định "Phi trí bất hưng" để nói về vai trò của trí thức. Nước ta không thể hưng thịnh và vượt qua được nguy cơ tụt hậu nếu không có những nỗ lực phát triển KHCN nói chung và xây dựng đội ngũ trí thức khoa học giỏi nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.