Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu một “cây đũa chỉ huy”

Nguyễn Linh| 15/01/2013 06:28

(HNM) - Sau 3 năm triển khai Đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" (giai đoạn 2010-2015), các cấp, ngành, đoàn thể vẫn lúng túng, bị động. Kết quả còn khiêm tốn do thiếu một "cây đũa chỉ huy"...

Phụ nữ Thủ đô đi bộ vì người nghèo. Ảnh: Nhật Nam


Khởi động tốt…

Triển khai thực hiện Đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" (giai đoạn 2010-2015), từ năm 2011, Hội LHPN TP Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tới mọi tầng lớp phụ nữ Thủ đô, nâng cao nhận thức, góp phần chuyển đổi hành vi của xã hội trong giữ gìn, phát huy phẩm chất, đạo đức truyền thống tốt đẹp. Là đơn vị làm điểm, Hội LHPN quận Hà Đông đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế, phân công cụ thể và hướng dẫn các ngành thành viên xây dựng kế hoạch. BCĐ đã tổ chức tập huấn cho 250 tuyên truyền viên; tổ chức 23 buổi truyền thông, tọa đàm về "tứ đức mới": Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang được thể hiện ở các tiêu chí: "Có lòng yêu nước, có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu". Quá trình triển khai đề án, Hội LHPN Hà Đông đã áp dụng nhiều sáng kiến: Các nội dung "4 tránh" (phân biệt trai gái, sinh con thứ ba, nạo phá thai, đẻ dày đẻ mau); "6 không" (không xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, mua bán trên lòng đường vỉa hè, treo biển hàng - quảng cáo sai quy định, vứt rác - phế thải ra đường, bao che cho hành vi trái luật), "7 điều cần nhớ" trong ATGT, "5 không 3 sạch"… được chuyển hóa dưới dạng văn vần giúp hội viên dễ hiểu, nhớ lâu, dễ thực hiện. Hội lồng ghép nội dung đề án với từng nhiệm vụ chính trị, gắn các giá trị đạo đức với văn hóa ứng xử hằng ngày trong gia đình, cộng đồng; chuẩn mực xây dựng người phụ nữ theo "tứ đức mới" trở thành tiêu chuẩn thi đua của tập thể và cá nhân. Ngoài ra, Hội còn phát động cuộc thi viết chân dung "Nét đẹp quê lụa", tổ chức nhiều tọa đàm, giao lưu để thu hút đông đảo chị em phụ nữ chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Cứ như vậy, vừa sáng tạo vừa kịp thời rút kinh nghiệm, Đề án đã được chị em tích cực hưởng ứng.

Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Thanh khẳng định: Các cấp hội đã thực hiện đề án một cách hiệu quả, sáng tạo. Kết quả hai năm nỗ lực đã tác động tích cực đến hội viên trên toàn thành phố.

… Nhưng kết quả chưa cao

Theo lịch trình 2010-2015, đề án đã đi được nửa chặng đường. Tuy vậy, trên toàn quốc, các tỉnh, thành mới hoàn thành giai đoạn xây dựng kế hoạch triển khai. Thậm chí, 11 tỉnh, thành phố chưa được cấp kinh phí; riêng tỉnh Phú Yên vẫn đang giai đoạn… thu thập thông tin. Cũng vì thiếu kinh phí, kết quả thực hiện đề án quá khiêm tốn: Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) mới tổ chức tập huấn cho 70 phóng viên, biên tập viên, chưa có kinh phí năm 2012; Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới dừng ở 2 lớp tập huấn cho 140 cán bộ các đơn vị trực thuộc và 2 đầu sách biên soạn tài liệu cho học sinh, sinh viên. Sơ kết giai đoạn 2010-2012, BCĐ Đề án của Chính phủ đánh giá: Tiến độ thực hiện chậm, hoạt động của các Tiểu đề án (các bộ, ngành, đoàn thể: GD-ĐT, VH-TT&DL, TT-TT, phụ nữ, công đoàn, đoàn thanh niên) không đồng đều. Điều này có nguyên nhân từ sự chậm trễ, lúng túng, thiếu thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện. Tại 14 tỉnh, thành phố thực hiện mô hình điểm, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, định hướng, nhân rộng không được tổ chức đồng bộ, kịp thời. Văn bản phục vụ công tác chỉ đạo chủ yếu từ TƯ Hội LHPN Việt Nam triển khai về các tỉnh, thành phố. Tại địa phương, vì chưa có sự chỉ đạo của các bộ xuống cấp sở, ngành, công tác phối hợp giữa các thành viên của BCĐ đề án, các tiểu đề án thiếu sự chặt chẽ, đồng bộ... khiến hiệu quả đề án thấp.

Để Đề án "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước" trở thành nhận thức và hành động của phụ nữ và mọi người dân, các giá trị tinh thần to lớn mà các thế hệ người Việt dày công vun đắp thấm nhuần trong đời sống thường nhật của cộng đồng, góp phần đẩy lùi tiêu cực, là nhiệm vụ to lớn, lâu dài và bức thiết không của riêng phụ nữ. Muốn vậy, trong giai đoạn nước rút 2013-2015, rất cần có sự chỉ đạo thống nhất, tích cực, đồng bộ để các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cùng vào cuộc, nỗ lực nâng cao chất lượng, hoàn thành mục tiêu đặt ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu một “cây đũa chỉ huy”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.