Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu lòng tin, việc lớn khó thành

Dục Tú| 22/06/2015 05:55

(HNM) - Ít ngày nay, chuyện lãnh đạo Hà Nội giao cho cơ quan quản lý văn hóa - giáo dục trên địa bàn và chính quyền địa phương nhiệm vụ chấn chỉnh văn hóa ứng xử trong nhà trường và ngoài xã hội đã nhận được sự quan tâm rộng rãi.



Lời bình từ chuyên gia, nhà quản lý, người dân dễ thấy trên báo chí, mạng xã hội, ý kiến ủng hộ chủ trương đúng có nhiều, nhưng cũng có nhiều người thể hiện ý "bàn lùi", coi đó như việc bất khả thi, nêu ra cho có chứ không mang nghĩa thiết thực.

Sự thực thì việc chấn chỉnh nền nếp ứng xử, xây dựng văn hóa đô thị là một nhiệm vụ lớn, thường xuyên, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống chứ không phải bỗng nhiên xuất hiện một cách tùy hứng. Cảnh con trẻ nói tục diễn ra ngày một phổ biến, trong bối cảnh nhiều người lớn không làm gương cho trẻ về mặt này mà lớn lối, thô tục ngay cả trong công sở và ngoài xã hội. Một số "sao" giải trí, thông qua mạng xã hội, trang thông tin cá nhân, thể hiện ý tứ thiếu chuẩn mực, gây ảnh hưởng xấu tới nhận thức của một bộ phận giới trẻ vốn coi họ như thần tượng… Bởi thế, chấn chỉnh văn hóa ứng xử là yêu cầu cần có, trong đó có việc chấn chỉnh lời ăn tiếng nói sao cho rõ văn minh, lịch sự. Vấn đề là thực hiện ý tưởng tốt đẹp đó như thế nào, làm sao tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, được cá nhân và cộng đồng hưởng ứng thiết thực?

Ý kiến "bàn lùi" không đáng được hoan nghênh nhưng ít nhất chúng cho ta bài học về duy trì phong trào xây dựng nếp sống, lối sống cũng như tìm giải pháp đưa phong trào vào cuộc sống. Những người tỏ ý hoài nghi về ý tưởng đẩy lùi nạn nói tục trong nhà trường, công sở, nơi công cộng nói rằng chúng ta chưa thu được kết quả khả quan trong việc vận động cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường Thủ đô xanh - sạch, ý thức tham gia giao thông vẫn là câu hỏi lớn dù chính quyền các cấp đã dày công tuyên truyền, vận động. Việc chống nói tục, chửi bậy, vốn rất khó luật hóa cũng như tìm ra giải pháp xử lý vấn đề dựa trên chứng cứ cụ thể trong điều kiện thiếu vắng bộ phận chuyên trách, liệu có rơi vào cảnh "nói được nhưng không làm được" hay không?

Xây dựng lối sống, nếp sống văn minh trong một đô thị lớn, nhiều sức ép, không phải là việc dễ, cũng không phải việc trong ngày một ngày hai. Điều quan trọng là chúng ta xác định đó là phần việc nhất định phải thực hiện dựa trên một kế hoạch tổng thể được thực hiện bền bỉ, lấy giáo dục, tuyên truyền, vận động làm giải pháp chính và áp dụng chế tài xử phạt như một hình thức bổ trợ; trong đó, công tác giáo dục thế hệ trẻ giữ vai trò trọng tâm, là nhiệm vụ cần được ưu tiên tại các nhà trường, gia đình. Hà Nội, trong nhiều năm trở lại đây đã không tiếc sức cho việc chấn chỉnh nếp sống, lối sống, kỷ cương đô thị. Trong một tổng thể lớn gồm nhiều phần việc liên quan đến văn hóa đô thị, nhiều mảng việc đã cho kết quả đáng khích lệ, như việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội… Đó là những kết quả ban đầu, chưa ở mức tuyệt đối nhưng có ý nghĩa tạo đà, tạo lòng tin rằng chúng ta có thể đạt tới mục tiêu lớn hơn nếu huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc. Đó là điều quan trọng bởi với bất kỳ nhiệm vụ nào, có ý nghĩa thiết thực đối với đời sống bao nhiêu mà chúng ta không có được niềm tin thì nhiệm vụ đó tất yếu đối diện với thất bại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu lòng tin, việc lớn khó thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.