(HNM) - Đó là thực trạng của hoạt động khoa học - công nghệ trong nông nghiệp trên địa bàn thành phố nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua.
Để tăng năng suất và giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang dần hướng đến ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đã xuất hiện các mô hình hiệu quả. Theo Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thanh Thủy, đã có nhiều quy trình công nghệ được công nhận và ứng dụng thực tiễn sản xuất làm tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho người dân trong lĩnh vực nông nghiệp như: Quy trình kỹ thuật nhân giống hoa hồng và hoa cúc bằng phương pháp giâm cành, nâng tỷ lệ sống của hoa hồng từ 50% lên 90%, của hoa cúc từ 70% lên 100%... Đặc biệt, trong lĩnh vực trồng trọt đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 40-60% diện tích mía, bông, cây ăn quả… được dùng giống mới.
Chủ trang trại cây ăn quả tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai thực hiện công nghệ ghép giống cam Canh, bưởi Diễn chất lượng cao. Ảnh: Thái Hiền |
Tại Hà Nội, đã có không ít DN, HTX đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao phát huy hiệu quả, điển hình phải kể tới HTX Hoa Đan Hoài. Được thành lập từ năm 2004, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã chọn hướng đi là đầu tư công nghệ cao vào sản xuất hoa với hệ thống nhà lưới, nhà kính nên đạt doanh thu tới 4-5 tỷ đồng/ha/năm. Hiện nay, HTX đã xây dựng được thương hiệu hoa "Flora Việt Nam" được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, những đơn vị như Đan Hoài vẫn là "của hiếm" trong sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm tăng mức đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp nhưng thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp. Theo nhận xét của đa số bà con nông dân, việc chuyển giao tiến bộ KHCN trong nông nghiệp hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Trong số gần 500 đề tài, dự án nghiên cứu KHCN cấp thành phố trong 5 năm qua, mới có 10 loại vật nuôi, cây trồng đưa vào sản xuất, 22 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề đặc sản được cấp nhãn hiệu tập thể…
Ông Lê Văn Giáp, chủ một trang trại cây ăn quả lớn tại xã Cao Viên huyện Thanh Oai chia sẻ, hiện nay do chưa được hỗ trợ chuyển giao giống cam Canh, bưởi Diễn chất lượng cao nên hầu hết người dân phải tự ghép cành, dẫn tới năng suất, chất lượng quả ở một số nơi còn hạn chế. Ở khía cạnh khác, nhiều nghiên cứu KHCN mặc dù có hiệu quả rõ rệt, song chưa được triển khai rộng rãi. Nhiều tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cũng chỉ được áp dụng trên quy mô nhỏ lẻ. Vẫn xảy ra tình trạng nhà khoa học có công trình nghiên cứu tốt phải tự tìm xuống với nông dân và chủ trang trại để thuyết phục họ cùng mình đưa ứng dụng mới vào sản xuất, nếu rủi ro thì nhà khoa học và nông dân cùng chịu, thành công nông dân hưởng 100% nên chưa khuyến khích được nhà khoa học. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thủ tục, giấy tờ theo đúng quy trình quy định còn rườm rà, nếu qua cơ quan quản lý nhà nước sẽ mất rất nhiều thời gian.
Để tăng cường mối liên kết giữa nhà khoa học và người nông dân, đại diện HTX Đan Hoài kiến nghị: Cần tăng cường hơn nữa chính sách xã hội hóa hoạt động KHCN nhằm tranh thủ các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phải thực sự coi trọng vai trò của các DN, HTX trong hoạt động KHCN. Đồng thời, Nhà nước cần đẩy mạnh sàn giao dịch hàng hóa để kết nối sàn giao dịch này với thị trường tài chính, giúp toàn bộ cơ sở dữ liệu được lưu thông đến với các tổ chức tín dụng. Như vậy, việc thẩm định phương án kinh doanh sẽ dễ hơn, chi phí giao dịch, quản lý các khoản vay ít hơn, giúp ngân hàng sẵn sàng tham gia đầu tư cho vay vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như một hình thức kinh doanh có lãi, chứ không phải tham gia đầu tư vào khu vực ưu đãi, lãi suất thấp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nghiên cứu, áp dụng KHCN, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho các DN trong chọn tạo giống. Cần nâng cao hiệu quả của nghiên cứu KHCN bằng chính sách khuyến khích các đơn vị nghiên cứu công lập sau khi có kết quả giống mới có thể liên kết với các công ty tư nhân để thực hiện quá trình nhân giống và thương mại hóa. Thêm vào đó, sớm hoàn thiện quy trình, minh bạch và ngắn gọn trong cấp phép nhập khẩu máy móc phục vụ nông nghiệp; xây dựng và đồng bộ hóa bộ tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế... Chỉ có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hy vọng hoạt động KHCN trong nông nghiệp mới có thể xứng với kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.