(HNM) - Đã hết quý II của năm 2010 nhưng câu chuyện khủng hoảng thiếu lao động của các DN vẫn chưa dứt. Tình trạng "thiếu trước, hụt sau" lao động đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN cũng như việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm của từng đơn vị.
Trong khi đó, nhiều lao động thì vẫn đôn đáo đi tìm cho mình một việc làm có mức thu nhập ổn định. Bắt bệnh cho thực trạng bất cập này ở nước ta là: mức thu nhập của người lao động (NLĐ) ngày càng thấp so với giá cả thị trường tăng.
Nhận diện thị trường lao động
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã trải qua gần mười phiên giao dịch giới thiệu việc làm nhằm tạo cầu nối thuận lợi, minh bạch cho cung - cầu lao động. Thế nhưng, trong khi một số đơn vị "bội thu" số đơn xin việc của những ứng cử viên có trình độ đại học, cao đẳng, thì nhiều DN khác vẫn tiếp tục chạy đua tìm lao động có trình độ phổ thông. Theo khảo sát của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, mỗi phiên giao dịch việc làm có khoảng 3.000 NLĐ tham gia, trong đó có tỷ lệ khá cao là lao động phổ thông. Tuy nhiên, trung tâm chỉ tuyển được 4% lao động phổ thông so với nhu cầu, đơn đặt hàng của các DN. Đơn cử như tại phiên giao dịch việc làm quận Thanh Xuân mới đây, các DN có nhu cầu tuyển hơn 1.000 lao động phổ thông nhưng cũng chỉ tuyển được 18 lao động. Kết quả khảo cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ trong năm qua cũng đưa ra con số tương tự về tình hình lao động - việc làm khi có tới hơn 100 nghìn chỗ làm việc còn trống cần lao động, trong đó 80% là lao động phổ thông. Thế nhưng, các trung tâm giới thiệu việc làm chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu của các đơn vị đóng trên địa bàn.
Lao động tại Công ty Vinakip yên tâm làm việc với mức lương bảo đảm cuộc sống. |
Tình hình thiếu lao động để lấp đủ dây chuyền sản xuất không còn là chuyện của phòng nhân sự mà đã thành mối quan tâm hàng đầu hiện nay của lãnh đạo nhiều DN trước khi đưa ra quyết định đầu tư hay mở rộng sản xuất ở trong nước. "Làm quản lý gần 25 năm nhưng có lẽ tôi chưa từng phải đau đầu và mất nhiều thời gian cho vấn đề về tuyển dụng lao động và sắp xếp nhân sự như thời điểm bây giờ. Thậm chí, vấn đề này còn khó gỡ hơn cả vấn đề vốn hay công nghệ khi nó phức tạp chẳng theo quy luật nào cả" - Tổng giám đốc một công ty cổ phần thương mại và dịch vụ có tiếng của Hà Nội phàn nàn. Bởi DN của ông có kế hoạch đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất đồ hộp cung ứng cho chuỗi các siêu thị của công ty đang ăn nên làm ra, nhưng hiện ông phải cân nhắc tính toán thời gian nhà máy này vận hành khi mà lo không tìm tuyển đâu cho 350 công nhân vào để đào tạo nghề?!
Thậm chí, câu chuyện khủng hoảng thiếu lao động đã lên tới đỉnh điểm khi 2 DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng tại KCX Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) đã đề xuất xin nhập khẩu lao động phổ thông từ Philippin và Lào để bù đắp. Điều này nếu xảy ra sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm ở nước ta.
Cần sự nhìn nhận từ doanh nghiệp
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu lao động phổ thông tại Hà Nội cũng như trên địa bàn cả nước trong giai đoạn này nhưng mức thu nhập hiện tại ngày càng thấp so với giá cả đang được coi là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến tình trạng trầm trọng thiếu lao động (chủ yếu là lao động phổ thông, lao động có nghề) hiện nay.
Theo điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, lương tối thiểu hiện đang áp dụng chi trả cho NLĐ ở nước ta hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 60 - 65% nhu cầu cuộc sống và thấp hơn mức lương trả trên thị trường khoảng 20%. Mức lương này không thể bảo đảm cho NLĐ bù đắp sức lao động giản đơn chứ chưa nói đến tích lũy để tái sản xuất sức lao động. Trong khi đó phần lớn DN lại lấy mức lương tối thiểu mà Nhà nước ban hành để làm gốc tham chiếu trả lương cho NLĐ mà không dựa vào năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc.
Do đó, với những DN được coi là có mức lương cao, thì nay với đà tăng giá chóng mặt trên thị trường thì thu nhập của NLĐ cũng chỉ còn ở mức trung bình. Trong khi đó, NLĐ phổ thông luôn làm việc trong tình trạng "đứng núi này, trông núi nọ". Chỉ cần các DN khác thêm quyền lợi mới, tăng mức thu nhập và điều kiện đi lại, họ sẵn sàng chuyển đổi chỗ làm việc.
Tình hình này, theo bà Thanh, các DN cần tính toán để có chế độ tiền lương thỏa đáng cho NLĐ và những ưu đãi phù hợp mức sống. Phải coi đây là sự đầu tư nhằm gắn kết lâu dài NLĐ với DN, khi đó mới giải quyết được việc thiếu lao động trong các DN. Đồng thời, nhà nước cũng cần có sự vào cuộc tháo gỡ những bất cập về vấn đề chính sách nhà ở, điều kiện văn hóa - xã hội cho NLĐ nhập cư tại các KCN- KCX hiện nay…
Nhưng thiết nghĩ, bắt bệnh đã khó nhưng trị bệnh còn khó hơn vì nó phụ thuộc vào văn hóa ứng xử của từng DN. Bởi các điều kiện về kinh tế có làm nhưng DN chưa xây dựng được cho mình văn hóa DN thì vẫn khó có thể giữ chân lao động. Làm sao để NLĐ nhận thấy họ được trọng dụng khi họ nhiệt tình cống hiến sức lao động là điều không hề dễ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.