Tài chính

Thiếu chế tài, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chậm lên sàn

Hương Thủy 16/10/2023 - 06:24

Theo quy định, đến ngày 19-10-2023, toàn bộ hơn 130.000 mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải được đưa vào hệ thống giao dịch. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ đăng ký đưa trái phiếu lên hệ thống mới đạt hơn 14%. Có thể thấy, việc đưa trái phiếu lên sàn không đạt như kế hoạch đã định.

th-tru-ng-trai-phi-u-doanh.jpg
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh: Ngọc Thắng

Số lượng trái phiếu đăng ký giao dịch còn khiêm tốn

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Để hạn chế rủi ro, tăng tính minh bạch và khả năng thanh khoản cho thị trường, ngày 19-7-2023, hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào hoạt động. Theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong vòng 3 tháng. Như vậy, ngày 19-10 là thời hạn mà các doanh nghiệp, tổ chức phải đưa trái phiếu lên sàn giao dịch.

Tuy nhiên đến nay, số lượng trái phiếu đăng ký giao dịch còn khiêm tốn. Dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 13-10, sau gần 3 tháng hệ thống đăng ký, lưu ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức vận hành, mới có 190 mã trái phiếu đăng ký giao dịch, đạt tỷ lệ hơn 14%.

Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân doanh nghiệp không “mặn mà” đưa trái phiếu lên sàn có thể xuất phát từ việc quy định về xử phạt không đưa chứng khoán lên sàn chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa nắm rõ hết thủ tục nên niêm yết chậm. Trái phiếu phát hành riêng lẻ khi đưa lên sàn phải công khai thông tin nhà phát hành, điều kiện phát hành, số lượng trái phiếu, lãi suất…, nên với những nhà phát hành có tình hình tài chính kém thì niêm yết trái phiếu trên sàn là điều không mong muốn.

Chủ tịch FiinGroup (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính, phân tích ngành và dịch vụ xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam) Nguyễn Quang Thuân nhìn nhận, với khối lượng trái phiếu còn lại rất lớn, việc hoàn thành 100% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được đưa lên sàn là không thể trong giai đoạn này. Thậm chí, doanh nghiệp sẽ chấp nhận chịu phạt hành chính.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18, Nghị định số 156/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn sẽ bị xử phạt từ 10 đến 400 triệu đồng, tùy theo thời gian quá hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng, hoặc không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

vietcombank-la-m-t-trong-nh.jpg
Vietcombank là một trong những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch lớn. Ảnh: Quang Thái

Cần bổ sung chế tài

Trước đó, tại hội nghị phổ biến quy định lưu ký và đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ diễn ra vào trung tuần tháng 9-2023, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh, việc đưa trái phiếu đã phát hành riêng lẻ vào giao dịch tập trung là để bảo đảm quyền lợi cao nhất của trái chủ đúng theo quy định của pháp luật. Những ngày qua, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cùng Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ, bảo đảm hồ sơ của doanh nghiệp đã hoàn thiện không bị chậm trễ trong việc đưa lên giao dịch.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lớn đã sốt sắng đăng ký tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, như: Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh VINFAST (giá trị đăng ký giao dịch 14.120 tỷ đồng với 13 mã trái phiếu), Công ty TNHH Capitaland Tower (giá trị đăng ký giao dịch 12.239 tỷ đồng với 4 mã trái phiếu), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (giá trị đăng ký giao dịch 10.680 tỷ đồng), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (giá trị đăng ký giao dịch 7.240 tỷ đồng).

Sau một tháng đi vào hoạt động, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu toàn thị trường đạt 23.328.110 trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 5.764,9 tỷ đồng. Bình quân khối lượng giao dịch đạt 1 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 250,6 tỷ đồng/phiên. Trong tháng 9 vừa qua, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường đạt 37.076.157 trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 9.485,3 tỷ đồng.

Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 1,95 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 499,22 tỷ đồng/phiên. Trong đó, trái phiếu có giá trị giao dịch cao nhất là trái phiếu Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh VINFAST, với 3.685,29 tỷ đồng; tiếp theo là trái phiếu Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living, với giá trị giao dịch đạt 2.623,97 tỷ đồng, trái phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam là 1.117,47 tỷ đồng...

Nhiều trái phiếu được đưa lên sàn giao dịch, giá trị giao dịch tăng sẽ giúp hoạt động phát hành mới của các tổ chức thuận lợi hơn, bởi mọi thông tin được minh bạch. Số liệu từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect cho thấy, trong quý III-2023 có 88 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 100.163 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với quý II-2023. Trong đó có 80 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 88.715 tỷ đồng, chiếm 88,6% tổng giá trị phát hành. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có sự phục hồi tích cực trong quý III-2023 đến từ sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng.

Để đẩy nhanh việc đưa trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào hệ thống giao dịch, một số chuyên gia đề xuất, song song với việc xử phạt hành chính, cần bổ sung chế tài với những trường hợp chậm hoặc không niêm yết chứng khoán. Chẳng hạn, cần đưa việc niêm yết vào điều kiện phát hành trái phiếu của các đợt phát hành mới. Nếu doanh nghiệp chậm niêm yết trong thời gian nhất định thì không được phát hành trái phiếu đợt mới...

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu:
Tâm lý nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng với thị trường

nguyen-tri-hieu.jpg

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có 2 hướng. Một là thị trường sẽ phát triển mạnh khi nền kinh tế đi lên, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu, số lượng doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch này càng ngày càng nhiều. Đó là hướng mà chúng ta mong muốn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu tình hình kinh tế vẫn trầm lắng thì sẽ khó có nhiều doanh nghiệp lên sàn. Họ sẵn sàng nộp phạt thay cho việc phải lộ diện nếu tình hình tài chính của họ kém, chất lượng trái phiếu không tốt.

Theo tôi, thị trường sôi động hay không, không phụ thuộc vào bao nhiêu mã trái phiếu được đưa lên sàn mà tùy thuộc vào tâm lý nhà đầu tư, nhà đầu tư có giao dịch hay không. Cứ cho là hơn 1.300 mã trái phiếu đều được đưa lên sàn nhưng tâm lý nhà đầu tư còn rụt rè thì họ sẽ ít giao dịch. Tuy nhiên, có thể cũng có việc nếu nhiều mã trái phiếu lên sàn, có nhiều giao dịch thì sẽ tạo ra sự sôi động trên thị trường nhưng với điều kiện những giao dịch đó phải rất mạnh và nhà đầu tư tin tưởng thị trường, trở lại thị trường.

Chuyên gia phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, Nguyễn Bá Khương:
Giao dịch trên sàn sẽ sôi động

nguyen-ba-khuong.jpg

Việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành là một trong những bước đi quan trọng để hướng tới xây dựng một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo quy định, nếu để quá thời hạn đưa trái phiếu lên sàn từ 1 tháng, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt. Vì vậy, dự báo, từ cuối tháng 10 đến trung tuần tháng 11, sẽ có nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã phát hành được đưa lên sàn. Cùng với đó, các giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn của tổ chức phát hành cũng được thực hiện thông qua sàn. Trên thực tế, trong quý III-2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn đạt gần 57.259 tỷ đồng. Ngân hàng vẫn là nhóm mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn nhiều nhất. Có lẽ nhu cầu tín dụng yếu cùng với việc lãi suất giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện để các ngân hàng duy trì tích cực hoạt động mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình. Chính vì vậy, tôi cho rằng, thời gian tới, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên sàn sẽ sôi động hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, quận Hà Đông:
Thông tin mua bán được minh bạch

nguyen-ngoc-duc.jpg

Trong giai đoạn năm 2017 đến năm 2021, thị trường trái phiếu phát triển mạnh, song bên cạnh đó đã xuất hiện một số tồn tại, như có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế; một số tổ chức cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng. Một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trên các mạng xã hội đã xuất hiện hiện tượng môi giới của một số doanh nghiệp, tổ chức tài chính mời chào người dân mua trái phiếu doanh nghiệp như một hình thức gửi tiết kiệm...

Đáng chú ý là có hiện tượng lôi kéo những người gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu, trong khi người gửi tiền không được cung cấp đầy đủ thông tin. Với việc quy định đăng ký, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên sàn, tôi tin là thị trường sẽ minh bạch. Các mã trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được giao dịch trên sàn còn giúp nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể bán trái phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thanh Hương ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu chế tài, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chậm lên sàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.