Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiết thực lo toan cho con trẻ

Dục Tú| 01/06/2015 07:16

(HNM) - Những năm gần đây, chuyện chơi, chỗ chơi cho con trẻ thường được phân tích vào dịp hè, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6. Bên cạnh thông tin về những hoạt động dành riêng cho trẻ, do tổ chức, cá nhân xây dựng nhằm mục đích phục vụ thiếu nhi là lời phàn nàn về việc trẻ em Việt Nam chưa có đủ nơi giải trí


Nói chính xác thì trẻ em Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội, điều kiện học hành, chăm sóc y tế và điều kiện giải trí ngày một được nâng lên. Tuy thế, so với nhu cầu ngày một cao của trẻ thì nỗ lực trong thời gian qua của xã hội là chưa đủ. Nói vậy là bởi tết Thiếu nhi 1-6 năm nay, đây đó vẫn nhắc đến "bữa cơm có thịt" cho trẻ vùng cao; ở đô thị lớn là sự lo lắng của phụ huynh xem nên cho trẻ đến đâu chơi thì tránh được cảnh chen chúc, sự "lăn tăn" về cái giấy khen mà bây giờ trẻ nào cũng được nhận, không biết còn nguyên vẹn ý nghĩa động viên trẻ học hành, rèn luyện hay không... Nói không ngoa, xét ở bề nào thì việc học, việc chơi của trẻ cũng để lại nỗi lo cho người lớn, cho nhà quản lý các cấp, ngành liên quan.

Chúng ta sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề nói trên, tìm ra cách giải tỏa mối lo của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung. Suy nghĩ nghiêm túc để tìm giải pháp khả thi chứ không phải mỗi khi vào hè, đến tết Thiếu nhi lại khơi vấn đề ra cho có rồi "đóng lại", năm sau "mở ra"… nói tiếp. Chẳng hạn như nói về sự thiếu chỗ chơi của trẻ, có kiến nghị, nêu giải pháp bao nhiêu lần thì trẻ cũng không có thêm nhiều chỗ chơi đúng nghĩa nếu chúng ta không định ra kế hoạch riêng cho việc này và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Nếu khu biệt vấn đề ở các khu đô thị, chúng ta không thể hài lòng với việc quy định nhà đầu tư dành riêng diện tích cho hoạt động của cộng đồng một cách chung chung, mà cần đưa ra quy định bắt buộc họ phải hình thành sân chơi cho trẻ với đầy đủ phương tiện thiết yếu. Chúng ta cũng có thể đề ra quy định riêng đối với chính quyền địa phương hoặc chủ đầu tư khu đô thị lớn, rằng đến một ngưỡng diện tích mặt bằng, nhà ở và dân số bao nhiêu thì bắt buộc phải xây dựng bể bơi, công viên nhỏ, sân bóng đá mini hoặc khu luyện tập thể thao đa năng… Quy định đầy đủ rồi, điều quan trọng là phải kiểm soát việc thực hiện để mọi thứ diễn ra trong trật tự, khuôn khổ.

Hôm qua, đâu đó có bài viết ngắn về sự học của trẻ miền xuôi và vùng cao, ý nói sự chênh lệch về điều kiện. Tuy thế, vấn đề đáng suy nghĩ không phải ở thực trạng bởi đó là điều có thể cảm nhận được, mà ở điều mà người viết hướng tới, rằng các bậc phụ huynh ở đô thị lớn trong lúc loay hoay "chi phí" để chọn trường cho con cũng nên biết rằng ở vùng cao, nhiều trẻ không dễ có được cơ hội học hành dù chỉ là trong "lớp học" bốn bề toang hoác. Chỗ học đã vậy mà điều kiện giải trí cũng vậy, nghĩ một chút cũng đã thấy rõ là tội nghiệp. Nó đặt ra vấn đề rộng lớn hơn, rằng ở đô thị lợi thế rõ ràng là thế mà còn chưa đáp ứng nổi nhu cầu của trẻ thì cộng thêm sự hạn chế ở vùng nông thôn và đặc biệt là vùng khó khăn, rõ ràng là cần có giải pháp tổng thể và biện pháp đủ mạnh để cải thiện điều kiện học hành, vui chơi của trẻ em Việt Nam nói chung.

Sự thiếu, sự dở không bỗng nhiên mất đi nhờ hội thảo, hội nghị chuyên đề hay những lời phát biểu của chuyên gia, nhà quản lý, mà chỉ có thể được khắc phục nếu như chúng ta triển khai ý tưởng, kiến nghị, kế hoạch bằng hành động cụ thể, thiết thực, quyết liệt hướng vào mục tiêu chăm sóc trẻ em.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiết thực lo toan cho con trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.