Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiên tai khiến 61 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 3.875 tỷ đồng

Kim Nhuệ| 02/06/2022 11:23

(HNMO) - Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai xảy ra trên phạm vi toàn quốc đã làm 61 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước khoảng 3.875 tỷ đồng. Dự báo, từ nay đến cuối năm, thời tiết, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiểm tra Trạm bơm tiêu Yên Sở, hệ thống phòng, chống úng ngập trọng điểm của thành phố Hà Nội.

Ngày 2-6, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay, trên phạm vi toàn quốc xảy ra 70 trận mưa lớn; 74 trận dông, lốc; 24 vụ sạt lở bờ sông; 107 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại.

Các loại hình thiên tai nêu trên đã làm 61 người chết, mất tích và 35 người bị thương; 121 ngôi nhà bị sập, 2.372 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 166.452ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 17.439 gia súc, 42.293 gia cầm bị chết; 299 thuyền bị chìm, 3.601ha và 8.723 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 26 cầu tạm và 23km đường giao thông bị cuốn trôi, sạt lở... Tổng thiệt hại về kinh tế ước khoảng 3.875 tỷ đồng.

Tính riêng tháng 5, thiên tai làm 35 người chết, mất tích; 15 người bị thương; thiệt hại về kinh tế ước khoảng 483 tỷ đồng.

Cập nhật thời hạn mùa, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 4-6 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Những tháng cuối, mưa bão có khả năng xảy ra dồn dập với cường độ mạnh. Trong mùa mưa bão, lượng mưa tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là từ tháng 7 đến tháng 9.

Ngược lại, từ tháng 6 đến tháng 9, tổng lượng mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Từ khoảng tháng 10 đến tháng 11, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng gia tăng. Các tỉnh miền Trung có nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập trong các tháng 10 và 11.

Trước diễn biến thiên tai và dự báo nêu trên, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai khiến 61 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 3.875 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.