(HNM) - Những thợ thuyền lưng áo đóng muối. Những công chức vừa rời nhiệm sở, chưa muốn về tổ ấm nhận lệnh của vợ. Cả bà sồn sồn nhà mất nước vì nghe nói sợ vỡ ống nên
Đô thị quá nhiều sức ép. Chỗ ở chật hẹp. Sáng ra chen nhau từng nửa bánh xe để giành đường. Đến chỗ làm, dù mồ hôi xũng xịu dưới nắng nóng hay đeo thẻ gõ máy trong phòng lạnh đều có sự căng thẳng riêng. Chiều vê, các bà ưa ghé chợ cóc, đi siêu thị trong khi đàn ông khoái tụ tập bia bọt, những giờ phút sảng khoái biết bao…
Chiều chiều, rất đông người rủ nhau ra khu vực bãi giữa Sông Hồng, đoạn gần chân cầu Long Biên tắm mát. Ảnh: Quang Hùng |
Có những người, ít thôi, tìm cho mình chỗ thư giãn tích cực hơn, tất nhiên là cầu kỳ, tốn công sức một chút. Bãi tắm "tiên" giữa sông Hồng là chốn để mà được đã đời.
Lại phải "tình đầu" một chút, vì chốn bồng lai này gắn với Hà Nội từ thuở Thăng Long. Theo nhà nghiên cứu quá cố Nguyễn Vinh Phúc, khi dời Hoa Lư, để dựng ngôi thành mới, Thái Tổ Lý Công Uẩn di dân gốc ra chỗ Hàng Đậu bây giờ, gọi là Cơ Xá. Trải nhiều đời long đong, chốn này phải chia nhỏ nữa. Cơ Xá Tây thành Phúc Xá bây giờ. Cơ Xá Nam quãng Phạm Ngũ Lão, Bác Cổ, ngày Pháp vào lập "Ê Ta Ma Giơ" (Bộ Tổng tham mưu) dân ta ra bãi giữa sông cắm lại (nên còn gọi "Trung Hà - giữa sông" chăng?), tới những năm bảy mươi thế kỷ trước, nhà cửa làm nghẽn dòng lũ nên phải dời sang bên kia sông, người người đi đò hay qua cầu chăm bẵm ngô, đỗ. Ổn định nhất là Cơ Xá Bắc Biên bên Gia Lâm, cắm ngay từ xửa xưa ấy, vì là dân gốc nên được vua Lý cho miễn thuế… Rườm rà vậy để nhiều người biết mình ngày ngày đang hưởng một thiên đường có bề dầy lịch sử thế nào, vì thế mà kính trọng nó chút chút chăng... Ấy là chưa kể những chuyện gắn với Hồng Hà, con sông áp cái vành tai duyên dáng vào đô thị cổ nhất nước, vốn dữ tợn nhưng đã bị thuần hóa.
Để ra ngoài ấy có nhiều cách nhưng dứt khoát phải qua cầu Long Biên. Xe đạp, xe máy gửi lại ga Đầu Cầu hoặc phóng thẳng, tụt xuống cầu dẫn, ban đầu bằng gỗ đơn sơ rồi ngày càng chắc chắn. Một vị tướng chăm chỉ bắt vài tuyến xe buýt. Thư thả nhất là đi bộ, như những anh phố cổ đâu đó. Ông nọ ở Trần Phú chạy dọc đường tàu, "vừa gần vừa khởi động luôn". Trăm mét đầu tiên tạo cảm giác không dễ chịu gì. Bên dưới người xe ầm ầm, hơi nóng bốc lên rất chóng mặt. Qua bức tường gốm sứ khai mù là chợ hoa quả, na dứa chín thơm quyện với mùi dưa ủng, rác rưởi lên men. Không cẩn thận dẫm phải bơm kim của dân nghiện, đời "ra cái tóp".
Rồi là, bất ngờ, khung cảnh dịu hẳn. Tiếng ầm tắt phụt, cứ như ai đó vặn cái "volum" khổng lồ trên trời. Dưới chân là bãi sậy, người ta vẹt từng mảng trồng rau cho gia đình. Giữa xanh um vài ông buông cần, trầm mặc như nhà triết học khinh bỉ muỗi, dĩn, rồi đến dòng nhỏ ngày càng bẩn thỉu và co hẹp lại trước khi gặp lại dòng lớn cuối bãi. Tây đầm quần đùi áo hai dây thỗn thệu dạo bộ, chụp ảnh. Thiên đường tình yêu đấy. Khóa Viro, Minh Khai, Việt Tiệp, đa phần không kiên cố mấy, mang tên chàng mới cả nàng chi chít đính cứng trên lan can. "Tách" xong rồi "bũm", cái chìa lao xuống nước, ra điều chúng mình gắn bó chín mươi chín năm nha, đố ai chia cắt nổi nha. Đôi khi quyết tâm vĩ đại ấy thành hình được, hóa ra màn chụp ảnh cưới trên đường tàu hỏa, chú rể mướt mải mồ hôi trong khi cô dâu "đời có một lần thôi anh ơi em phải giữ lại hình ảnh đẹp nhất".
Có bao nhiêu đôi đến được "cõi nhân gian" này, không thống kê được. Chỉ biết một ngày đẹp trời nhà chức trách phải cắt bỏ những "vật chứng tình yêu" báo hại lan can cầu. Như mới đây bên Paris người ta phải "giải phóng" 70 vạn chiếc khóa mà dân du lịch "kỷ niệm lại" cho pont des Arts, cây cầu nổi tiếng trên sông Seine.
Trượt xuống cây cầu vào bãi là dấn vào thế giới đơn sơ, trần trụi. Cũng có nơi riêng, lịch sự hẳn hoi, cho "quý ông" "quý bà" cùng công tử tiểu thư thích cưỡi ngựa chụp ảnh, và một bãi trung tính, cả gia đình đều "banh xô lây" đầy đủ. Nhưng dân bơi sông thực thụ thì trang phục phải như cụ Chử Đồng Tử, da săn ngả sang màu đồng là số má cao nhất. "Tiên ông" toàn tập ấy sinh hoạt ở hai bãi. Bãi thượng nguồn cầu Long Biên rộng, khá thoải, có thể đá bóng. Bập bềnh bè cá, có bè chả nuôi gì, vài người góp tiền chơi riêng. Vượt qua hàng nước chân cầu xuôi xuống có ngôi miếu thờ hai cô gái trẻ chả biết từ đâu trôi xuống mắc lại, được "câu lạc bộ những người yêu sông Hồng công đức - 2009". Bãi dưới nằm giữa Long Biên và Chương Dương, tứ thời phấp phới lá cờ đỏ. Phụ nữ Trung Hà tùm hụp nón mũ làm lụng trong ruộng nhà chỉ cách mấy tấm thân trần trụi vài chục mét. Vung vẩy chân tay khởi động cơ bắp cho đủ mới an toàn. Sông Hồng, dù đã có ba cái "ao" thủy điện trên nguồn hãm chậm lại, không đùa được.
Rồi là bước xuống dòng nước đỏ đục phù sa từ cao nguyên hoàng thổ bên Trung Hoa và vô số khuổi nậm Tây Bắc, từ từ để quen lạnh. Bơi kiểu nào, đến đâu tùy sức lực, độ lỳ lợm, từng trải và "đạo cụ" - như can nhựa, túi ni lông bình rượu vang, áo phao. Người đi bộ ngược lên cầu Long Biên rồi thả trôi. Người gan góc vượt ra trăm mét, nơi cát đùn lên, nhô nửa mình hả hê hét váng trời. Người "đứng" tại chỗ quạt ngược dòng, tưng nấy nghìn nhát mà không bị trôi là đủ "chỉ tiêu". Đông đúc nhất là quãng bờ lở, nước xói vào thành con xoáy, làm vài vòng nương theo dòng chảy không xa bờ quá. Đến lúc thở nhễ nhoãi, "tiên ông" lên bờ nằm dốc đầu cho máu xuống não "thông minh hơn", đắp bùn lên người, bắt đầu tán gẫu. "Đồng phục" A đam cả nên không còn đẳng cấp gì hết, ông thằng bỏ hết để bình đẳng, với những chủ đề dân dã, thậm chí hoang dại. Có ông mang cún cưng xát xà phòng rồi quăng ra xa cho nó lổm ngổm vào. Hai "hán tử sơ sinh" tách riêng ra, vừa vẩy tay vừa trao đổi về chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn nghệ. Kẻ tò mò ngồi trên bờ ngắm nghía tất nhiên không được hoan nghênh, mà hễ kè kè máy ảnh là bị xua đuổi. Hóng hớt chuyện chúng ông tắm táp buôn trên các trang mạng, hay hớm lắm a! So với chốn "thiên nhiên vô bờ bến" này, những đàn ông chém gió trong quán bia, hừng hực zdô zdô nửa lít một chỉ là giang hồ vặt. Có nhẽ thế.
Nhiều người bảo nước sông bẩn, rất nhầm. Thể lực duy trì được, da đồng từng trải đáng tự hào, đã đành, mà bệnh ngoài da bay sạch. Đa phần bơi xong về nhà tắm lại, nhưng không ít người "thế là đủ". Có ông mang chai nhựa hai lít nước máy, lên bờ xát xà phòng rồi dội rất từ từ, biểu diễn một kỹ năng tắm thượng thừa. Cũng đừng tưởng chốn này hoàn toàn tự phát, vô trật tự. Như một câu lạc bộ, có "trưởng lão" đứng ra thu tiền trả cho chủ ruộng ngô bị đường xuống bãi chạy qua. Cờ quạt rách thì thay. Và lập ban thờ có tượng Quan Âm, ngày rằm ngày một mùa nào thức nấy thắp hương đầy đủ. Cữ hạ tàn, "hội rã mùa" được tổ chức, thuyền máy chở ngược lên cầu Thăng Long, các "tiên ông", người có phao người bơi không, nhảy xuống theo con nước thả trôi về bến (nghe nói có người lạc sang dòng Đuống). Lễ tổng kết chính thức thường diễn ra ở quán bia, tiền nong thì chia, nhưng rất dễ là có "Mạnh Thường Quân" khao; dân ra sông bình dân là chính nhưng công chức, tướng tá, doanh nghiệp "xịn" đâu có thiếu.
Sang thu, "hội" vắng dần. Có anh tự thu xếp cờ quạt. Có anh vợ cấm. Gan lỳ nhất là những "con nghiện", trời rét mười độ mưa phùn gió bấc vẫn nhồng nhỗng. Đây là loại không "cai" được, tết nhất lắm bổn phận không dầm mình xuống nước cứ như có dòi bò trong xương.
Chiều sẫm, đám thị dân hoang dã "trở lại đời thường", đi trên cầu với tư thế kẻ vừa ở thiên đường về. Hết bãi sậy là bê tông trần trụi, phố phường với những bãi bia... Nhưng cũng có người giờ này mới ra. Trút bỏ dần dần, vứt tuốt những toan tính mưu sinh, nằm xuống bãi để da thịt cảm nhận vị phù sa. Trong bóng tối, họ lắng nghe con sông thở, tiếng chào trầm trầm của chiếc xà lan ngược dòng…
Mới thực là tiên!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.