(HNM) - Trong tuần qua, thế giới vừa phải hứng chịu liên tiếp hai tai họa khủng khiếp từ "cơn thịnh nộ" của thiên nhiên.
Ngay từ đầu tuần, cuộc sống bình thường của người dân toàn châu Âu đã bị đảo lộn khi những cột dung nham và tro bụi cao tới 8,5km vọt lên từ miệng núi lửa Eyjafjallajokull ở phía nam Iceland, hình thành đám mây bụi khổng lồ lơ lửng ở độ cao từ 6.000 đến 9.000m, di chuyển qua Anh, rồi lan đến bắc Pháp và Áo. Không dừng lại ở đó, cơn giận dữ của núi lửa đã phủ kín bầu trời phía đông và miền trung nước Nga.
Cột khói bụi bốc lên từ núi lửa Eyjafjallajokull. |
Những lớp khói bụi từ lòng đất qua miệng ngọn núi lửa như một cơn giận dữ sau 200 năm ngủ yên, nay bị đánh thức. Hơn 48 giờ, khói bụi bốc lên dày đặc, ngày càng che mờ hy vọng di chuyển bằng đường không của hàng triệu người đến và rời "cựu lục địa".
Lần đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới, bầu trời bắc bán cầu không một bóng máy bay trong khi hàng trăm nghìn người vạ vật khắp các phi trường. Các cơ quan hàng không quốc tế cho rằng, sự tê liệt hàng không ở châu Âu hiện nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn bất kỳ một vụ khủng bố hay một cuộc chiến tranh nào từng diễn ra trước đó. Sự trì hoãn các chuyến bay khiến ngành hàng không châu Âu mất khoảng 200 triệu USD mỗi ngày, chưa kể chi phí tăng thêm do phải chuyển hướng các đường bay và chi phí phát sinh của hành khách. Trước nguy cơ tình trạng khói bụi có thể kéo dài ít nhất một tuần, các thành phố lớn của châu Âu buộc phải tăng cường các phương tiện giao thông khác. Điều mà các nhà khoa học lo lắng hiện nay là quá trình phun trào của Eyjafjallajokull sẽ đánh thức núi lửa Katla gần đó. Do nằm gần khối băng khổng lồ Myrdalsjokull, nếu hoạt động trở lại, núi lửa Katla có thể gây lũ lụt lớn trên diện rộng và tạo ra những hậu quả khó lường đối với Iceland cùng nhiều quốc gia khác.
Trong lúc người dân châu Âu đang phải gánh chịu hậu quả do cơn thịnh nộ của Eyjafjallajokull thì tại châu Á, một cơn địa chấn mạnh tới 7,1 độ richter đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.700 người dân ở huyện Ngọc Thụ, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc). Điều bất thường ở chỗ, thay vì xuất hiện ở vị trí giao nhau của hai mảng kiến tạo như các trận động đất lớn khác, cơn địa chấn tại Trung Quốc hôm qua lại xảy ra bên trong một mảng kiến tạo.
Giới khoa học cho biết, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, tức là trong vòng 9 tháng, trên toàn thế giới đã diễn ra 24 cơn động đất với cường độ 7 độ richter trở lên, bình quân mỗi tháng 2,6 lần. So với thế kỷ XX, mỗi năm diễn ra 19 cơn động đất, mỗi tháng bình quân có khoảng 1,6 lần thì đến nay con số này đã tăng lên đáng kể. Con số thống kê này khiến người ta liên tưởng tới những tác động của biến đổi khí hậu do hành động thái quá của con người với tự nhiên. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các thảm họa thiên tai ngày càng gia tăng về tần suất, cường độ và quy mô. Nó đã và đang ảnh hưởng mạnh đến mọi quốc gia và sự sống của từng gia đình trên trái đất, nhất là các lãnh thổ gắn liền với những dòng chảy của các dòng sông và các vỉa kiến tạo địa lý.
Rõ ràng, thiên tai đang trở thành hiểm họa lớn nhất của nhân loại. Theo dự báo của các nhà nghiên cứu, trong vòng 20 năm tới, biến đổi khí hậu kèm theo các loại thảm họa thiên tai sẽ làm khoảng 500 nghìn người chết mỗi năm, trong khi số người bị ảnh hưởng có thể lên tới hơn 600 triệu người và thiệt hại kinh tế dự tính lên tới 600 tỷ USD/năm. Tóm lại, những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đang được xem là một thách thức lớn nhất đối với sự phát triển toàn cầu trong thế kỷ XXI.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.