Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích ứng an toàn, linh hoạt

Hà Anh| 11/03/2022 14:25

(HNMCT) - Dịch bệnh hơn hai năm qua khiến công ty du lịch của bạn tôi rơi vào tình trạng “móm toàn tập”, như đôi lần anh đã than thở trên nhóm Zalo. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP điều chỉnh biện pháp chống dịch và hướng tới “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi, phát triển kinh tế đất nước thì tình hình “có nhúc nhắc đôi chút”. Và mới đây, bạn tôi đã chia sẻ sự náo nức, mong chờ triển vọng tươi sáng sau khi nước ta chính thức mở cửa du lịch quốc tế từ ngày 15-3.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bình quân mỗi năm đóng góp 9,2% GDP, tạo ra 2,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Đặc biệt, năm 2019 là năm đột phá của ngành này với tổng doanh thu 755 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 18,5%, trong đó du lịch quốc tế thu 421.000 tỷ đồng (bình quân hơn 1.169 tỷ đồng/ngày). Nhưng hơn hai năm qua, do dịch bệnh nên “con gà đẻ trứng vàng” ấy bị “nhốt”, “èo uột” với mức tăng trưởng -58,7% trong năm 2020 (tổng thu 312.000 tỷ đồng), thậm chí năm 2021 còn tệ hơn khi chỉ đạt 180.000 tỷ đồng. Thế nên, nỗi niềm của bạn tôi cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch (như vận tải, ăn uống, sản phẩm làng nghề…) cũng thật dễ hiểu.

Tuy nhiên, khi thời điểm chính thức mở cửa du lịch quốc tế chỉ còn 1 tuần nữa thì diễn biến dịch bệnh ở nước ta lại có chiều hướng căng thẳng. Số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước tăng mạnh trong những ngày vừa qua, đặc biệt là tại các thành phố lớn và các trọng điểm du lịch. Đáng nói, riêng ngày 8-3, Việt Nam có thêm 162.435 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 lên 4.769.355 ca - một con số mà cách đây một năm, thậm chí vài tháng trước ít người có thể hình dung tới. Và đấy là thống kê của cơ quan quản lý y tế, chứ có thể số liệu thực tế lớn hơn nhiều bởi rất nhiều trường hợp F0 tự cách ly, điều trị tại nhà, không khai báo với cơ sở y tế.

Dịch bệnh phức tạp nên không chỉ người trong ngành Du lịch hay các cơ quan quản lý mà ngay cả nhiều người dân cũng đặt câu hỏi: Mở cửa du lịch rồi sẽ ra sao? Thế nên, cũng dễ hiểu khi trong văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý vào dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị nhiều quy định chặt như người có nguy cơ cao hạn chế đi du lịch, đặc biệt, ngoài yêu cầu tiêm đủ mũi vắc xin thì khách quốc tế trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh không được đi du lịch ngay mà phải ở nơi lưu trú, đồng thời thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2; các ngày thứ 2, 3 nếu muốn rời khỏi nơi lưu trú thì phải làm xét nghiệm hằng ngày…

Sự cẩn trọng của Bộ Y tế là có lý do, nhưng quan điểm an toàn tuyệt đối như vậy khiến các công ty du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch không khỏi lo lắng. Trong lúc du lịch cần được tiếp sức bằng những chính sách kích cầu phù hợp thì các “rào cản kỹ thuật” cứng nhắc, thậm chí thiếu khả thi như vậy sẽ “làm khó” doanh nghiệp, thậm chí có nguy cơ khiến khách quốc tế “quay lưng”, tìm kiếm thị trường khác thông thoáng, cởi mở hơn. Bài học từ sự thất thu trong việc mở cửa thí điểm đón khách quốc tế hồi mấy tháng cuối năm 2021 - mở cửa nửa vời với một “rừng” thủ tục - vẫn còn nóng hổi.

Bối cảnh dịch bệnh hiện nay không cho phép tồn tại tâm lý chủ quan, nhưng cũng không thể cầu toàn đến mức “cửa đóng then cài” để đánh mất cơ hội. Vì vậy, đây là lúc các cấp, ngành cần chủ động tham mưu, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cần có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng các phương án, kế hoạch đón khách, đảm bảo “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quan trọng hơn cả là các phương án, giải pháp cần mang tính chiến lược, nhất là khắc phục được những nhược điểm cố hữu để du khách có thể yên tâm, tin tưởng và mong muốn có dịp trở lại đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách - một điểm đáng đến trên bản đồ du lịch thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng an toàn, linh hoạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.