Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thích nghi được không?

Đan Nhiễm| 01/04/2011 07:20

(HNM) - Theo dự báo, biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể khiến cho Hà Nội mùa hạn bị khô kiệt, mùa mưa ngập úng nhiều và thời tiết sẽ nắng, nóng hơn. Làm thế nào để


Nhiều tai biến bất thường

Theo GS-TSKH Nguyễn Đức Ngữ (Trung tâm KHCN Khí tượng, Thủy văn và Môi trường), BĐKH sẽ đặt nước ta trước nhiều thách thức về chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội; nông nghiệp, nông thôn; khai thác, bảo vệ tài nguyên... Riêng với Hà Nội, những thách thức nêu trên thể hiện rõ nhất ở lĩnh vực đô thị hóa và mối quan hệ với các vấn đề xã hội và môi trường, đặc biệt là khi Thủ đô mở rộng nhưng cơ sở hạ tầng và dịch vụ không theo kịp nhịp độ phát triển.


Hiện tượng “sa mạc hóa” sông Hồng thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây. Ảnh: Linh Tâm


BĐKH thấy rõ nhất ở Hà Nội là hiện tượng "hiệu ứng đảo nhiệt". Khi đó, nhiệt độ vùng lõi đô thị sẽ cao hơn các vùng lân cận, có thể đạt những kỷ lục mới và mùa nóng kéo dài hơn, các đợt nóng và số ngày nắng nóng gia tăng. Ngoài ra, tần số phông lạnh (có thể cả cường độ) qua Hà Nội sẽ giảm đi, làm cho mùa đông ít lạnh hơn và lượng mưa giảm, dẫn đến tình trạng hạn hán gia tăng. Các mực nước cực trị do mưa gây ra sẽ đạt những trị số cao hơn trước đây. Hình ảnh trận lụt cuối năm 2008 và dòng sông Hồng trơ đáy vào các tháng sau Tết âm lịch cho thấy điều đó...

GS-TSKH Trương Quang Học cho biết, BĐKH cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì đây là nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng bệnh truyền nhiễm gia tăng do sự thay đổi của nhiệt độ, môi trường. Ở Hà Nội thời gian qua, việc xuất hiện một số bệnh mới ở người và động vật như cúm gia cầm, một số bệnh cũ quay trở lại như tả, nhiều bệnh có diễn biến phức tạp và bất thường hơn như sốt xuất huyết đã gây thiệt hại đáng kể. "Trong khi đó, đô thị Hà Nội hiện tại chưa được tính đến BĐKH, chưa theo hướng đô thị sinh thái, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thấp nên dễ bị tổn thương dưới tác động của BĐKH" - GS-TSKH Phạm Ngọc Đăng (Hội Môi trường xây dựng Việt Nam) nhấn mạnh.

Thích nghi được không?

Hà Nội cần sớm có kế hoạch khả thi ứng phó với BĐKH đó là vấn đề không cần tranh luận. Điều cần thiết hơn cả là chuẩn bị điều kiện để có thể thích nghi với hiện tượng này. Theo GS Trương Quang Học, việc xây dựng, quy hoạch chung của Hà Nội cần phải tính kỹ các yếu tố BĐKH để tránh tối đa rủi ro do tác động xấu của BĐKH gây ra, tận dụng những cơ hội thuận lợi có thể để phát triển theo hướng một thành phố sinh thái, hiện đại, bền vững.

PGS-TS Doãn Tam Hòe (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho rằng, có thể khắc phục tình trạng nước sông Hồng cạn kiệt bằng cách khá đơn giản là xây hệ thống đập ở cuối các chi lưu gần cửa biển để điều tiết. Theo tính toán của ông, tổng cộng sẽ có sáu con đập ở gần các cửa Ba Lạt, Ninh Cơ, Trà Lý và cuối các sông Đào (sông Vị Hoàng - Nam Định), Luộc và Đuống. Vào mùa khô, nếu đóng cửa xả các con đập này, nước sông Hồng ở Hà Nội có thể dâng lên cao trình 4-5m, để vừa khắc phục sự bất lợi do BĐKH mang lại, vừa tạo thuận lợi cho việc lấy nước làm đồng. "Để bảo đảm dòng chảy tự nhiên cho các dòng sông sau đập, cần tính toán điều tiết dòng thích hợp. Nếu kết hợp hệ thống đập này của ba sông Hồng, Ninh Cơ và Trà Lý với việc xây dựng tuyến cầu đường ven biển thì chi phí tổng thể sẽ giảm đi nhiều. Các loại đập này có thể là dạng đập cao su, giúp vận hành dễ dàng và mỗi khi lũ về sẽ không khó để trả lại dòng chảy tự nhiên" - PGS-TS Doãn Tam Hòe khẳng định.

Ở góc nhìn lạc quan về BĐKH, TS Nguyễn Thu Hạnh (Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững) lại có ý tưởng biến thách thức khi Hà Nội bị ngập lụt thành cơ hội. Theo TS Nguyễn Thu Hạnh, nhiều năm qua, không chỉ Hà Nội mà nhiều điểm du lịch khác đã chịu những tổn thất thường xuyên về doanh thu du lịch những ngày mưa, bão. Do đó, việc quy hoạch các tuyến, điểm du lịch trong những ngày mưa, bão, lụt là vấn đề cần được tính đến. Hồ Gươm sẽ là điểm du lịch lý tưởng để cảm nhận các giá trị nghệ thuật từ mưa. Theo đó, cần tổ chức các hoạt động văn hóa trong nhà như: vẽ tranh, ngâm thơ, chơi đàn, và các hoạt động ngoài trời như: chụp ảnh, biểu diễn rối nước. Ngoài ra, tại khu vực hồ Tây, với không gian mặt nước và tầm nhìn thoáng rộng, thích hợp cho việc trải nghiệm các cảm xúc đặc biệt từ bão. Có thể xây tại đây một trung tâm nghiên cứu bão với kết cấu kính chịu lực để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của du khách về hiện tượng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích nghi được không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.