Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị xã Sơn Tây: Phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch

Phương Uyên| 28/12/2020 14:28

Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, thuộc phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) đã có từ hàng trăm năm, được UBND tỉnh Hà Tây trước đây công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2007. Sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi ngon nổi tiếng vùng đất xứ Đoài, được người tiêu dùng, khách phương xa đến Sơn Tây yêu thích. Sản phẩm làng nghề đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và đang được thị xã thực hiện Đề án “Hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025”,  nhằm phát huy giá trị sản phẩm và giá trị làng nghề.

Nghề làm bánh tẻ Phú Nhi đã được truyền từ đời này sang đời khác. Trải qua năm tháng, bánh tẻ Phú Nhi ngày càng nổi tiếng, chất lượng bánh thơm ngon, đậm đà, được người tiêu dùng thập phương ưa chuộng, yêu thích.

Năm 2008, trong cuộc thi tại Hội chợ triển lãm các sản phẩm làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội, sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi đã được trao tặng Huy chương vàng, đem lại triển vọng về một sản phẩm du lịch đặc sắc của thị xã Sơn Tây và thành phố Hà Nội.

Cũng trong năm 2008, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Bánh tẻ Phú Nhi”, tạo thuận lợi để địa phương duy trì và phát triển nghề làm bánh tẻ truyền thống.

Hiện toàn phường Phú Thịnh có 30 hộ được sử dụng nhãn hiệu tập thể bánh tẻ Phú Nhi, với quy mô sản xuất từ 2.000 đến 20.000 chiếc/tháng, cho thu nhập từ 7 triệu đến 25 triệu đồng/hộ/tháng, thuộc diện khá cao so với các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, bánh tẻ Phú Nhi là sản phẩm thực phẩm nên vấn đề bảo quản và bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm rất quan trọng. Quy trình sản xuất bánh từ 4 đến 7 ngày, nhưng thời gian sử dụng sản phẩm bánh chỉ trong 2 ngày. Đây chính là rào cản hạn chế phát triển và mở rộng thị trường của bánh tẻ Phú Nhi.

Bên cạnh đó, làng nghề đang chịu sự cạnh tranh với các địa phương khác có sản xuất bánh tẻ theo cơ chế thị trường; các hộ chưa sử dụng thường xuyên tem, nhãn thương hiệu cho sản phẩm của cơ sở sản xuất, nên người tiêu dùng rất khó khăn truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đồng thời, chưa có điểm giới thiệu, bán sản phẩm bánh tẻ tại làng nghề và trên địa bàn thị xã bảo đảm quy mô, chính thống để nhiều người tiêu dùng tìm đến mua; chưa khai thác, thu hút được khách du lịch đến thị xã về tham quan tại làng nghề...

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết, để phát triển, quảng bá sản phẩm làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, thị xã đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với UBND phường Phú Thịnh và đơn vị chức năng xây dựng “Đề án hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019-2021, định hướng đến năm 2025”, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân làng nghề. Đồng thời, thông qua các hoạt động du lịch tại làng nghề góp phần giới thiệu, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của làng nghề và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Làng nghề bánh tẻ Phú Nhi có lợi thế là nằm liền kề các khu di tích, điểm du lịch của thị xã như: Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền… Khoảng cách từ làng nghề Phú Nhi tới các điểm du lịch của Ba Vì như: Suối Hai, Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa cũng khá gần (khoảng 15-20km). Hiện nay, bánh tẻ Phú Nhi đang là một đặc sản được du khách chú ý nhiều nhất mỗi khi tới tham quan du lịch Sơn Tây và thường được mua tại các khu du lịch.

Những năm qua, các hộ làm nghề chủ yếu sản xuất, tiêu thụ bánh tẻ theo đơn đặt hàng của khách hàng quen thuộc, trong khi việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi tại các khu du lịch trên địa bàn thị xã rất ít dẫn đến việc khách du lịch đến thị xã mua bánh tẻ về làm quà đa số không phải là sản phẩm bánh tẻ của làng nghề.

Do đó, việc duy trì và phát triển làng nghề ẩm thực đặc trưng tiêu biểu bánh tẻ Phú Nhi kết hợp với các hoạt động du lịch tại làng nghề để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là góp phần nâng cao đời sống thu nhập của người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Thị xã phấn đấu duy trì, phát triển thêm số lượng các hộ sản xuất bánh tẻ Phú Nhi; nâng cấp, cải tạo cơ sở sản xuất của các hộ hiện đang sản xuất bánh tẻ tại làng nghề, phát triển thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi; hỗ trợ biển quảng cáo dọc trục quốc lộ 32, tại các điểm du lịch; hỗ trợ tem, nhãn hàng hóa, túi, thùng đựng sản phẩm...; tạo dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa các hộ sản xuất để cùng nhau phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ; hình thành các văn phòng đại diện giới thiệu và bán sản phẩm bánh tẻ Phú Nhi, kết nối với các nhà hàng, khách sạn, trung tâm tổ chức sự kiện để đưa sản phẩm bánh tẻ vào thực đơn nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm; thu hút xã hội hóa xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm tại làng nghề, tại các khu du lịch trên địa bàn thị xã như: Đền Và, làng cổ Đường Lâm, chùa Khai Nguyên…”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị xã Sơn Tây: Phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.