Thời gian qua, trên địa bàn thị xã Sơn Tây đang thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều dự án. Song, do quá trình chuyển tiếp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Đất đai năm 2024 nên trong cùng một dự án lại có hai chế độ hỗ trợ khác nhau đối với tài sản hình thành trên đất không hợp pháp.
Thực trạng này khiến việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn...
Vướng mắc trong thực tiễn
Trước đây, thực hiện Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 414 qua địa bàn xã Xuân Khanh và Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây), cơ quan chức năng phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 523/786 hộ gia đình, cá nhân. Do đất của các hộ bị thu hồi phần lớn là đất hành lang giao thông nên sẽ không được bồi thường, hỗ trợ về đất, chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất không hợp pháp theo tỷ lệ 80%, 50%, 10%, tùy thời điểm xây dựng (vận dụng Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố Hà Nội). Hiện còn 263 trường hợp chưa được phê duyệt phương án và chuyển tiếp thực hiện chế độ, bồi thường hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Tuy nhiên, Điều 105 Luật Đất đai năm 2024 quy định, trường hợp “tài sản gắn nền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật” sẽ không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Do vậy, các trường hợp còn lại chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ trong thu hồi đất thực hiện dự án đường tỉnh 414 sẽ không được hỗ trợ công trình xây dựng trên đất không hợp pháp.
Tương tự, Dự án đầu tư, cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 413 cũng có khoảng 300 hộ gia đình, cá nhân có công trình xây dựng trên đất hành lang giao thông và đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp. UBND thị xã Sơn Tây đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 214 trường hợp, còn 90 hộ chưa phê duyệt phương án.
“Dự án qua địa bàn xã Thanh Mỹ có 146 trường hợp bị thu hồi đất, hiện còn 77 trường hợp chưa được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ. Áp theo quy định hiện nay, nhiều trường hợp trong số này không được hỗ trợ tài sản trên đất, nên giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. UBND xã đã báo cáo UBND thị xã Sơn Tây đề nghị xem xét để bảo đảm công bằng về chế độ hỗ trợ do cùng là đối tượng trong việc thực hiện một dự án”, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Phùng Trọng Dũng cho biết.
Trong khi đó, trên địa bàn xã Sơn Đông cũng đang triển khai các dự án: Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 418, xây dựng Trường Mầm non khu Tân Phú, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất Đồng Củ... Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đông Hoàng Trung Thành cho biết, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất Đồng Củ đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Theo quy định hiện hành, dự kiến sẽ có trường hợp không được hỗ trợ công trình xây trên đất khi bị thu hồi...
Cần bảo đảm thống nhất
Xác nhận công tác giải phóng mặt bằng nhiều dự án chuyển tiếp trên địa bàn đang dở dang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Sơn Tây Phan Thị Minh Hạnh phân tích: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định hướng dẫn, đối với nhà, công trình xây dựng không hợp pháp, không có văn bản xử lý, ngăn chặn của cấp thẩm quyền thì không được bồi thường, nhưng được hỗ trợ theo Khoản 2 Điều 92 Luật Đất đai năm 2013, Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và Điều 14 Quy định ban hành kèm Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố Hà Nội.
Theo đó, công trình, vật kiến trúc xây dựng trước ngày 15-10-1993 được hỗ trợ 80% theo đơn giá xây dựng mới; từ ngày 15-10-1993 đến trước 1-7-2004 được hỗ trợ 50% theo đơn giá xây dựng mới; từ ngày 1-7-2004 đến trước 1-7-2014 được hỗ trợ 10% theo đơn giá xây dựng mới tại Quyết định số 05/2023/QĐ-UBND ngày 28-3-2023 của UBND thành phố Hà Nội. Công trình, vật kiến trúc xây dựng sau ngày 1-7-2014 không được hỗ trợ.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024, Nghị định số 88/2024/NĐ-CP ngày 15-7-2024, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP ngày 30-7-2024 của Chính phủ, Quyết định số 56/2024/QĐ-UBND ngày 6-9-2024 của UBND thành phố Hà Nội không có quy định về hỗ trợ đối với nhà, công trình, vật kiến trúc xây dựng không hợp pháp. Như vậy, tài sản tạo lập trái quy định của pháp luật không được hỗ trợ như khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố Hà Nội.
Việc này gây bất cập, do trong cùng một dự án nhưng chính sách bồi thường, hỗ trợ không đồng nhất. Vì vậy, cuối năm 2024, UBND thị xã đã có văn bản báo cáo UBND thành phố Hà Nội. “Để có cơ sở triển khai các dự án chuyển tiếp, chủ động tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về chính sách bồi thường, hỗ trợ trong cùng một dự án, tránh gây bức xúc trong nhân dân, UBND thị xã đề xuất UBND thành phố cho phép áp dụng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29-3-2017 của UBND thành phố”, bà Phan Thị Minh Hạnh chia sẻ.
Được biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.400 dự án đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng theo Luật Đất đai năm 2013 và tiếp tục thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024. Để giải quyết các vướng mắc, ngày 14-1-2025, UBND thành phố đã có Văn bản số 568/VP-TNMT, giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã rà soát; báo cáo, đề xuất phương án giải quyết vướng mắc đối với từng dự án cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định về xử lý chuyển tiếp khi thực hiện Luật Đất đai năm 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.