(HNM) - Giữa vô vàn xe đạp điện nhập ngoại trôi nổi trên thị trường không hề được kiểm định về chất lượng, độ an toàn, thiết kế, tốc độ tối đa…
Chất lượng, giá cả xe đạp điện vẫn đang bị thả nổi. |
Phương tiện xanh
Xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước, XĐĐ từng được nhiều người ưa chuộng vì tiện lợi, tiết kiệm. Nhưng trào lưu XĐĐ chỉ rộ lên theo mốt, đến khi những chiếc XĐĐ hỏng hóc, cần thay phụ tùng, người ta lại tìm cách bán đổ bán tháo hoặc xếp xó những chiếc xe cũ. Đúng vào thời đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, trào lưu sử dụng XĐĐ đang quay lại, với ưu điểm chi phí thấp, gọn nhẹ, dễ sử dụng, giá cả phải chăng, không cần bằng lái. Với giá bán từ 7 đến 17 triệu đồng/xe, sử dụng ắc quy và pin, XĐĐ hiện là lựa chọn của khá nhiều gia đình cho trẻ em tự đi học, người già đi chơi, người lớn đi làm.
Không thể phủ nhận những tiện ích của XĐĐ, đây còn là loại phương tiện góp phần bảo vệ môi trường, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố, XĐĐ đang gây lo ngại cho cộng đồng bởi sự thiếu ý thức của một bộ phận người sử dụng, nhất là các em học sinh khi tham gia giao thông. Hình ảnh học sinh điều khiển XĐĐ chạy với tốc độ cao, lạng lách; vừa đi vừa bá vai bá cổ nhau, đi dàn hàng ngang… gây nguy hiểm đến bản thân và các đối tượng tham gia giao thông khác diễn ra không ít. Gần đây nhất, vụ tai nạn chết người ngày 19-8 mà nạn nhân là nữ sinh lớp 11 chuyên toán Trường Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đi XĐĐ không đội mũ bảo hiểm đã khiến nhiều người phải thận trọng hơn với XĐĐ.
So sánh việc sử dụng XĐĐ ở Việt Nam và các nước, người ta thấy có sự khác biệt. Ở nhiều nước, xe đạp cũng như XĐĐ có đường dành riêng, không lưu thông chung với các phương tiện ô tô, xe máy… Việc quản lý chất lượng xe đạp và XĐĐ rất chặt chẽ. XĐĐ là loại xe được trang bị động cơ phụ trợ, tốc độ tối đa 25km/h, có thể đạp được. Khi đạt đến tốc độ này, xe sẽ tự động ngắt nguồn điện, giảm tốc, bảo đảm an toàn cho người đi xe. Cùng với đó, được tuyên truyền về luật giao thông từ nhỏ, người đi XĐĐ luôn tự giác đội mũ bảo hiểm, chấp hành luật, có ý thức cao bảo vệ an toàn tính mạng bản thân và cộng đồng.
Sự lựa chọn khó khăn
Tại Việt Nam, nhiều người đi xe máy đã không ít lần hoảng hồn khi bị XĐĐ tạt ngang hoặc dễ dàng vượt lên trước, chạy với tốc độ 35-45km/h, thậm chí cao hơn. Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV xe đạp Thống Nhất Nguyễn Hữu Sơn cho biết: Giới kinh doanh biết rất rõ đây là loại xe trôi nổi, không rõ xuất xứ và không qua kiểm tra, kiểm định, được nhập với giá khoảng 3-5 triệu đồng/xe và thường được bán 11-15 triệu đồng/xe, nhiều xe được gắn mác Honda, Yamaha hay Bridgestone. Thực ra, sản phẩm XĐĐ chính hãng của Honda, Yamaha, Bridgestone hiện có giá khoảng 20-30 triệu đồng và các hãng này chưa có đại lý phân phối sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Theo ông Sơn, nhiều năm nay, các cửa hàng bán XĐĐ thường quảng cáo om xòm, hoạt động chừng 8-10 tháng là đóng cửa. Bởi loại xe trôi nổi này thường chỉ hoạt động bình thường trong 8-10 tháng, sau thời hạn trên phải thay thế nhiều phụ tùng, sửa chữa lớn. Để trốn tránh trách nhiệm, các cửa hàng chọn cách dẹp tiệm. Người tiêu dùng sau khi mỏi cổ tìm không ra nơi bảo hành, bán không ai mua thì đành bỏ. Công ty TNHH MTV xe đạp Thống Nhất cũng có sản phẩm XĐĐ bảo đảm quy chuẩn, có dịch vụ bảo hành, sửa chữa đầy đủ. Dù vậy, do người tiêu dùng thường sính hàng ngoại nên doanh nghiệp còn rất vất vả trong cạnh tranh với các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng và giá cả hiện nay. Ông Nguyễn Văn Hải, chuyên gia kỹ thuật từng tốt nghiệp khoa Công nghệ chế tạo máy (ĐH Bách khoa Hà Nội) với nhiều năm làm trong ngành sản xuất xe đạp khẳng định: XĐĐ chạy với tốc độ hơn 25km/h là vô cùng nguy hiểm. Để chạy với tốc độ hơn 25km/h, loại xe này phải có thiết kế phù hợp, chứ không thể có kết cấu mảnh mai, sử dụng phanh má như các loại XĐĐ hiện hành. Hiện XĐĐ trôi nổi có loại chạy được tới 50km/h nhưng phanh xe không bảo đảm, bánh xe lại quá bé, rất dễ gây trượt ngã khi chuyển hướng. Trong khi đó, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Văn Phương cho biết: Hiện Bộ GTVT đang xây dựng Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với XĐĐ. Theo tiêu chuẩn này, XĐĐ có vận tốc tối đa 25km/h.
Trong khi chờ đợi XĐĐ được quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua XĐĐ, hạn chế thấp nhất nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, nhà trường và gia đình cần phối hợp tuyên truyền nâng cao ý thức tuân thủ Luật Giao thông, đội mũ bảo hiểm, quản lý chặt chẽ hơn đối với loại phương tiện XĐĐ và người sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.