(HNMO) - Nhiều cổ phiếu chủ chốt đảo chiều đi xuống đã khiến mức tăng của VN-Index chậm lại. Như vậy, tuần này thị trường đều lên điểm trong các phiên giao dịch.
Ảnh minh họa |
Trong phiên ngày 14/3 tại sàn TP HCM, ở cả hai đợt khớp lệnh chỉ số chung của thị trường đều đi lên và lần sau cao hơn lần trước. Nếu như đợt khớp lệnh 1 VN-Index nhích 0,98 điểm, tương ứng 0,16%, lên 596,2 điểm thì đợt khớp lệnh liên tục tăng 4,68 điểm, tương ứng 0,79%, lên 599,9 điểm. Đáng chú ý, trong phiên trước khi nghỉ giao dịch sáng không lâu VN-Index có lúc tăng hơn 5 điểm, vượt mốc 600 điểm, đạt 600,58 điểm. Tuy nhiên, về cuối phiên có phần trùng xuống nên mốc 600 điểm không trụ được lâu. VN30-Index ghi 3,22 điểm, lên 672,43 điểm.
Hôm nay, dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Chính vì thế, rất nhiều mã thuộc nhóm này tăng hết biên độ như AGM, AGR, ALP, ASM, BSI, CCL, CDC, CYC, DCL, DCT, DLG, DRH, HAR, HIS, LCG, MCG, NHC, NKG, PPI, PTL, VSC, VSI, VPH, VNG, VIS, SMA, QCG, PXM, PXl.
Tại nhóm cổ phiếu chủ chốt, số mã tăng giá vẫn chiếm áp đảo: CTG, DPM, DXG, GAS, HAG, MBB, PNJ, PVD, SJS, SSI, VCB tăng 100-1.000 đồng/cổ phiếu. Đặc biệt sự lên giá mạnh mẽ của MSN và VNM đã có tác động lớn đến chỉ số VN-Index. MSN tăng 1.500 đồng/cổ phiếu, còn VNM “đội” 5.000 đồng/cổ phiếu.Giao dịch trên thị trường tương đương phiên sáng qua, đạt 97 triệu cổ phiếu và 1.772 tỷ đồng.
Như vậy, hai ngày gần đây thị trường được hỗ trợ từ thông tin tốt là Chính phủ đã chính thức ký phê duyệt đề án xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh. Theo đó, việc xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh theo lộ trình phát triển các sản phẩm phái sinh từ đơn giản đến phức tạp, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường. Đây mới chỉ là đề án và cần nhiều thời gian để các sản phẩm chứng khoán phái sinh chính thức được giao dịch trong thực tế nhưng thông tin trên đã có tác động tích cực đến thị trường.
Tuy nhiên, có thể nói, mốc 600 điểm không dễ vượt qua. Vì thế, theo dự báo, nếu không vượt qua mốc này thì thị trường có thể điều chỉnh giảm mạnh.
Tại sàn Hà Nội, giao dịch tăng đáng kể so với phiên trước. Tổng cộng có 66,217 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị 617,237 tỷ đồng. Hôm nay nhà đầu tư ngoại giao dịch khá thưa thớt. Mã mà khối này giao dịch nhiều nhất là KLS, họ mua và bán cùng là 300.000 cổ phiếu.
Tăng điểm là xu hướng chủ yếu của phiên nhờ sức mua vẫn được duy trì tốt. Đóng cửa phiên sáng, HNX-Index nhích 0,47 điểm lên 84,62 điểm; HNXFF-Index đạt 84,73 điểm, cộng 0,66 điểm; HNX30-Index tăng 1,52 điểm lên 170,66 điểm.
Thị trường hôm nay phụ thuộc nhiều vào cổ phiếu có mức vốn hóa lớn. Vì thế, đến phiên buổi chiều, nhiều số cổ phiếu blue-chips giảm giá đã khiến VN-Index tăng chậm lại, có lúc VN-Index đã xuất hiện sắc đỏ. Một số cổ phiếu lớn buổi sáng tăng đến chiều lại giảm như DXG hạ 100 đồng/cổ phiếu, GAS mất 500 đồng/cổ phiếu, hay như VNM tăng ít hơn, chỉ còn tăng 4.000 đồng/cổ phiếu; chưa kể BVH, FPT, GAS, HPG, OGC, PET, REE, SAM, STB đều mất giá.
Đóng cửa phiên VN-Index tăng 1,61 điểm, lên mức 596,83 điểm trong khi VN30-Index còn 668,39 điểm, hạ 0,82 điểm. Như vậy, đây là phiên thứ 8 liên tiếp thị trường đi lên và cả 5 phiên trong tuần này VN-Index đều lên điểm. Thanh khoản ở mức tốt với gần 164 triệu cổ phiếu và ngót 3.000 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.
Với việc thị trường đã có chuỗi dài tăng điểm, trong tuần tới thị trường sẽ chịu áp lực chốt lời.
Tại sàn Hà Nội, với 118 mã đi lên 139 mã đi xuống, HNX-Index nhích 0,29 điểm, lên 84,43 điểm; HNXFF-Index đạt 84,54 điểm, tăng 0,47 điểm; HNX30-Index lên 169,99 điểm sau khi cộng 0,85 điểm…Tổng cộng có 120 triệu cổ phiếu và gần 1.200 tỷ đồng được sang tay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.