(HNM) - Ban Chỉ đạo Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vừa có quyết định thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành, bắt đầu kiểm tra ATVSTP tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm từ ngày 10-12.
Trước đó, ngày 6-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về ATVSTP đã ký chỉ thị gửi các Sở Y tế đề nghị quan tâm đặc biệt đến công tác bảo đảm ATVSTP dịp Tết Nhâm Thìn. Cuối năm, lượng thực phẩm đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ước tính tăng khoảng 30% so với ngày thường và vì thế nguy cơ mua phải "thực phẩm bẩn", thực phẩm không bảo đảm chất lượng cũng đang hiển hiện.
Thực phẩm bày bán trên thị trường cần được kiểm tra rõ nguồn gốc để bảo đảm ATVSTP cho người sử dụng. Ảnh: Trung Kiên
Rầm rộ "thực phẩm bẩn"
Liên tiếp trong thời gian gần đây, Cảnh sát môi trường (CSMT), Quản lý thị trường (QLTT) và Thanh tra y tế đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… Điển hình, cuối tháng 11 vừa qua, CSMT và QLTT Hà Nội đã bắt giữ xe ô tô chứa 1,4 tấn nầm và 50kg tràng lợn chứa đầy trong các thùng xốp nhưng không có hóa đơn chứng từ tại cửa khẩu Tân Ấp. Trước đó, cơ quan chức năng đã bắt giữ vụ vận chuyển 3 tấn thịt và nầm lợn đã bốc mùi hôi thối, chuyển từ Trung Quốc về tiêu thụ tại Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn. Còn tại TP Hồ Chí Minh lại đang "nóng" chuyện thịt heo, gà, chim cút chưa qua kiểm dịch được đưa về thành phố. Số thịt này có khi chỉ được ướp đá sơ sài, đưa vào thùng xốp và dán băng keo rồi chuyển đi tiêu thụ. Do giá thành hạ hơn so với hàng được kiểm dịch, nên số lượng hàng hóa chuyển về ngày càng nhiều, khó kiểm soát chất lượng và nguy cơ gây dịch bệnh rất cao.
Thực phẩm đã qua chế biến cũng không phải đã an toàn. Tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế đều đã phát hiện thực phẩm ăn sẵn nhuộm màu bằng hóa chất bị cấm Malachite green, Rhodamin B… Từ năm 2005, Malachite green đã bị cấm dùng vào việc tẩy trùng nước nuôi trồng thủy sản, chứ chưa nói đến chế biến thực phẩm.
Tập trung cho nhiệm vụ cuối năm
Gần như đồng loạt, những ngày đầu tháng 12 này, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương về ATVSTP, Ban Chỉ đạo Trung ương về chống hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127) đã liên tiếp có văn bản, đồng thời thành lập tổng cộng 16 đoàn thanh tra liên ngành ở cấp trung ương, chú trọng kiểm tra các sản phẩm thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như thịt, bánh kẹo, mứt, rượu bia, giò chả, thực phẩm chế biến các loại. Các đoàn kiểm tra sẽ xem xét các yếu tố như nguồn gốc nguyên liệu, việc thực hiện quy định về ghi nhãn hàng hóa, chống hàng giả, chống gian lận thương mại tại các chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể, siêu thị… tất cả nhằm mục đích bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nhâm Thìn.
Trong khi các cơ quan chức năng tăng cường hoạt động nhằm bảo đảm vệ sinh thực phẩm thì chính người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm với chính mình khi mua sắm hàng hóa, nhất là thực phẩm. Theo đó, cần triệt để tẩy chay thực phẩm bẩn để chúng không còn đất sống. Gần đây, nhiều cơ sở sản xuất mứt thủ công đã phải giãn bớt công việc mặc dù cuối năm lượng mứt tiêu thụ tăng mạnh, do người tiêu dùng bắt đầu chú ý hơn đến nguồn gốc thực phẩm và thích chọn mua sản phẩm của các cơ sở có uy tín, nhãn mác rõ ràng. Đây là sự cảnh báo mạnh với các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, các cơ sở chỉ chú ý đến lợi nhuận trước mắt mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thực hiện Luật ATVSTP, thời gian gần đây, một số tỉnh, thành phố đã tích cực nêu tên cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng là phương pháp hiệu quả cung cấp thông tin cho người tiêu dùng biết và lựa chọn sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, rất nên mở rộng hình thức này, bởi trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, việc người tiêu dùng biết và sử dụng quyền chọn lựa của mình, từ đó lên án, tẩy chay là cách xử phạt hiệu quả nhất với các cơ sở vi phạm. Tuy nhiên, theo báo cáo chung của Cục ATVSTP (Bộ Y tế), tại tuyến xã, phường, có đến 2/3 vi phạm liên quan đến ATVSTP chỉ bị xử lý bằng hình thức… nhắc nhở, hiệu quả sau xử phạt rất thấp. Tết Tân Mão 2011 đã không xảy ngộ độc tập thể, mặc dù các bệnh viện vẫn lẻ tẻ tiếp nhận bệnh nhân rối loạn tiêu hóa, nhưng số lượng không nhiều. Hy vọng mặt tích cực này sẽ được duy trì trong Tết Nhâm Thìn sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.