Ông Phạm Thông, Giám đốc Marketing của ZaloPay nhận định, với việc dân số trẻ, tỷ lệ phổ cập smartphone cao trong khi các giao dịch chủ yếu vẫn bằng tiền mặt. Do đó, tiềm năng của thị trường thanh toán di động tại Việt Nam là rất lớn.
Ông Phạm Thông chia sẻ về tiềm năng thị trường thanh toán di động ở Việt Nam. (Ảnh: CTV) |
Chia sẻ với báo giới, ông Thông cho hay thị trường thanh toán điện tử thế giới tăng trưởng rất nhanh khi tổng doanh thu từ thanh toán di động vào năm 2017 đạt 780 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 16%.
Đại diện ZaloPay cho biết, thanh toán điện tử trên thế giới hiện tại đi theo 3 xu hướng rõ rệt. Ở Châu Phi, một công ty là mPESA đã thay đổi khu vực này với 18 triệu khách hàng và cách thức thanh toán dựa trên nền tảng SMS.
Tại Châu Á, điển hình là Trung Quốc với nền tảng thương mại điện tử phát triển nhanh và nhiều doanh nghiệp sử dụng phương pháp QR Code. Tại Bắc Kinh dẫn thông tin từ Ant Financial, chi nhánh tài chính của Tập đoàn Alibaba, cho biết số người sử dụng dịch vụ thanh toán di động tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã vượt mốc 520 triệu người.
Tiên tiến hơn là những đơn vị sử dụng nền tảng công nghệ đặc biệt ở khu vực Mỹ và Châu Âu. Tại các khu vực này, thanh toán điện tử đã phát triển, máy POS đã được trang bị ở mọi nơi nên những giải pháp mới đưa ra là chuyển đổi những máy POS truyền thống cho tương thích, phù hợp hơn với điện thoại di động. Apple Pay, Google Pay hay Samsung Pay có thể làm chiếc điện thoại thanh toán được trên những máy POS hiện đại như NFC hoặc Samsung có thể ứng dụng thanh toán cho những máy POS truyền thống...
Tại Việt Nam, ông Thông cho hay đơn vị này đã nghiên cứu kỹ và cho rằng, với lượng giao dịch hiện nay bằng tiền mặt là chủ yếu, thị trường thanh toán di động còn rất tiềm năng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.