(HNM) - Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức về tăng trưởng doanh thu chung trên thị trường Hà Nội trong mùa tết Nguyên đán vừa qua, nhưng ghi nhận từ thực tế có thể thấy, hàng Việt tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường.
Chưa bao giờ NTD lại quan tâm đến nguồn gốc của các mặt hàng, nhất là thực phẩm như mùa Tết năm nay. Hàng loạt vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh thực phẩm "bẩn" hay nhiều lô hàng đóng nhãn sản xuất ở nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt, tiêu hủy vì là hàng giả, hàng nhái khiến NTD thận trọng hơn. Theo Sở Công thương Hà Nội, trong dịp tết Bính Thân vừa qua, hàng hóa thiết yếu do doanh nghiệp (DN) Việt sản xuất chiếm phần lớn thị trường và được NTD lựa chọn nhiều, nhất là bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống.
Hàng Việt Nam tiếp tục vươn lên chiếm lĩnh thị trường dịp tết Bính Thân. Ảnh: Thái Hiền |
Chị Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho biết, mọi năm thường mua rượu ngoại làm quà tặng, nhưng năm nay đã tìm hiểu và chọn mua những loại rượu ngon do DN trong nước sản xuất, bảo đảm an toàn hơn, yên tâm hơn do các loại rượu ngoại bị làm giả quá nhiều... Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, sản phẩm của DN trong nước chiếm ưu thế lớn trong cơ cấu hàng phục vụ Tết trong hệ thống siêu thị Hapromart. Đáng chú ý, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bánh mứt kẹo của DN trong nước sản xuất chiếm tỷ lệ khá lớn.
Tại siêu thị Big C Thăng Long, từ giữa tháng 1-2016, lượng bánh kẹo sản xuất trong nước bán ra tăng 15-20% so với ngày thường, với mẫu mã rất da dạng, chỉ cần khoảng 200.000 đồng là khách hàng đã chọn được hộp bánh đẹp mắt, chất lượng. Đánh giá của nhiều chủ cửa hàng kinh doanh bánh kẹo cũng cho thấy, sản phẩm bánh kẹo của Kinh Đô, Bibica… do làm tốt công tác quảng bá thương hiệu nên ngày càng được NTD biết đến. Tiếp nối thành công trước đây, hệ thống siêu thị Co.opmart tiếp tục triển khai chương trình "Tết Việt - gắn kết tình thân" với hàng loạt chương trình khuyến mãi để khuyến khích NTD mua sắm sản phẩm hóa mỹ phẩm, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng… trong nước. Đại diện siêu thị Co.opmart Hà Đông khẳng định, không đợi đến Tết đơn vị mới triển khai chương trình hàng Việt Nam, vì hàng hóa trên kệ của siêu thị chiếm tới hơn 90% là hàng sản xuất trong nước. Nhưng, Tết là dịp để DN tăng cường, khuyến khích NTD chú ý đến hàng Việt Nam nhiều hơn nữa. Nhìn nhận về sức mua trong dịp tết Nguyên đán, đại diện nhiều hệ thống siêu thị cho biết, sức mua tăng bình quân 10-20%. Cá biệt có một vài hệ thống siêu thị, cửa hàng, sức mua tăng tới 25% so với cùng thời điểm này năm trước.
Hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thực hiện chương trình bán hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân Thủ đô, nhất là nhân dân khu vực xa trung tâm, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất có điều kiện mua hàng hóa Tết, hàng bình ổn giá bảo đảm chất lượng, giá hợp lý, chương trình bán hàng phục vụ tết Bính Thân, do Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các huyện tổ chức, đã thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm. Mỗi điểm như vậy có khoảng 50 gian hàng với gần 80 DN tham gia. Ngoài tham gia chương trình chung của thành phố, nhiều DN còn tự tổ chức các chương trình riêng. Phó Tổng Giám đốc Hapro Nguyễn Tiến Vượng cho biết, đưa hàng Tết về phục vụ người dân ngoại thành, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất đã trở thành hoạt động thường niên của Hapro nói riêng, nhiều DN Hà Nội nói chung và được đông đảo người dân đón nhận...
Việc các DN tích cực nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, đồng thời tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần quảng bá sản phẩm "Made in Vietnam" tới NTD. Qua đó, từng bước tạo được niềm tin, chỗ đứng của hàng sản xuất trong nước với NTD, góp phần giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh mạnh của hàng ngoại nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.