Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường sau Tết: Thực phẩm dồi dào, sức mua giảm

Đỗ Hà - Minh Thúy| 24/02/2015 06:41

(HNM) - Từ chiều mùng 2 Tết, nhiều tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, rau, hoa, quả… trên địa bàn Hà Nội đã mở hàng. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, mặc dù lượng hàng hóa tương đối dồi dào, giá một số thực phẩm tươi không tăng, thậm chí còn rẻ hơn so với trước Tết,


Đìu hiu chợ sau Tết

Bên gánh hàng rau, chị Hoài, bán hàng ở chợ Vân Đình (Ứng Hòa) than thở: Thời tiết nắng ấm những ngày trước, trong và sau Tết nên rau phát triển rất nhanh, không kịp bán thì rau lại quá lứa, mà bán với giá thấp thì không đủ chi phí, không bõ công chăm trồng…


Thị trường hàng hóa sau Tết dồi dào, đa dạng và không có biến động về giá.


Thời tiết ấm, nồm trong suốt thời gian qua chính là điều kiện tốt cho các loại rau, củ, quả phát triển và đây cũng là nguyên nhân khiến giá rau xanh những ngày sau Tết có chiều hướng giảm. Tại một số chợ ngoại thành, mặc dù tiểu thương đã mở hàng từ sớm nhưng lượng khách mua sắm thực phẩm rất ít nên nhiều chợ chìm trong cảnh đìu hiu. Các loại rau xanh như cải xoong, ngải cứu, cải cúc, cải mơ, rau cần vẫn là lựa chọn phổ biến của các bà nội trợ nhưng giá rất rẻ, cụ thể: Rau cải cúc giá 1.500-2.000 đồng/mớ; rau cần 3.000 đồng/mớ. Ngoài ra, giá các loại nấm tươi như nấm Kim Châm, nấm Hương… cũng không tăng so với ngày thường. Còn tại một số chợ nội thành như chợ Hà Đông, chợ Cầu Diễn, chợ Thanh Xuân hay một số chợ "cóc" ở các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… giá các loại rau xanh cao hơn một chút so với ngày thường: Rau cần 5.000 đồng/mớ; cải cúc 10.000 đồng/3 mớ; ngải cứu 4.000 đồng/mớ. Một số loại rau, quả bán được giá, nông dân phấn khởi như súp lơ xanh dao động ở mức 15.000-18.000 đồng/cây (tăng 7.000- 10.000 đồng so với ngày thường); cà chua 20.000-22.000 đồng/kg (tăng khoảng 7.000 đồng).

Không chỉ giá rau xanh rẻ, sức mua giảm rất nhiều mà giá các loại hoa cũng rẻ gần một nửa so với những ngày trước Tết. Chị Nguyễn Thị Thắm, bán hoa ở chợ Bông Đỏ, phường La Khê (Hà Đông) cho biết: Giá bán lẻ hoa cúc 1.000-1.500 đồng/bông; hoa ly dao động từ 20.000-30.000 đồng/cành; hoa hồng (có lộc) giá 5.000-7.000 đồng/bông… Giá bán lẻ đã rẻ nhưng giá bán buôn các loại hoa trên còn rẻ hơn rất nhiều. Hoa mất giá khiến nhiều hộ trồng hoa ở các quận, huyện Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh, Hoài Đức thua lỗ.

Giá thực phẩm tươi sống ổn định

Cùng với rau xanh, sức mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống sau Tết cũng giảm mạnh, giá cả ổn định. 16h mùng 4 Tết, tại chợ Hà Đông, có rất nhiều tiểu thương bán cá, hải sản tươi sống, thịt lợn, thịt bò… tuy nhiên khách hàng khá thưa thớt. Quan sát tại đây cho thấy, hầu hết quầy bán thịt lợn đều trong tình trạng ế ẩm. Chị Đào Thị Hà, chủ quầy thịt lợn cho biết: Đầu giờ chiều mang nửa con lợn bán "mở hàng", mặc dù thịt tươi, ngon, giá cả cũng chỉ bằng ngày thường nhưng rất ít người mua. Người dân chủ yếu tìm mua xương, tim, cật, còn các loại thịt khác như thăn, ba chỉ, vai… ít người mua.

Còn tại các quầy bán cá, thịt bò, hải sản tươi sống, số người đến mua nhộn nhịp hơn do đầu năm nhiều gia đình ăn lẩu nhưng giá tăng không đáng kể; cụ thể: Giá thịt bò 270.000 - 320.000 đồng/kg tùy loại; cá trắm (loại 5kg trở lên/con) giá bình quân cũng chỉ 90.000 đồng/kg; cá chép loại to 75.000-80.000 đồng/kg; ngao trắng giá 20.000 đồng/kg. Do sức mua giảm, sợ ế hàng, nên đến cuối ngày mùng 4 Tết, một số tiểu thương kinh doanh cá, thịt lợn tại chợ Hà Đông phải bán hòa vốn, thậm chí cắt lỗ.

Tiếp tục xu hướng trầm lắng

(HNM) - Tổng mức lưu chuyển hàng hóa hai tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội đạt 295.176 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị bán lẻ đạt 68.733 tỷ đồng, tăng 10,6%. Nhìn chung, thị trường Tết Ất Mùi 2015 lượng hàng khá dồi dào, phong phú và giá bán một số nhóm hàng phục vụ Tết có tăng hơn so với ngày thường nhưng tăng không nhiều. Do các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã có kế hoạch chuẩn bị sẵn nguồn hàng nên không xảy ra hiện tượng thiếu hàng. Theo thống kê, riêng lượng hàng hóa dự trữ tăng thêm của hệ thống phân phối, bán lẻ trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán trị giá trên 16 nghìn tỷ đồng. Thị trường đang diễn biến ổn định và sức mua có xu hướng trầm lắng hơn.


Anh Minh


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường sau Tết: Thực phẩm dồi dào, sức mua giảm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.