Sách

Thị trường "sách số": Thách thức và cơ hộiThúc đẩy chuyển đổi số trong xuất bản

Khánh Linh ghi 15/04/2024 16:38

Xuất bản sách trong kỷ nguyên số đang đặt ra nhiều vấn đề về nguồn nhân lực, sự phối hợp giữa các khâu, tính pháp lý của các thỏa thuận hợp tác, đặc biệt là vấn đề bản quyền...

Hànộimới Cuối tuần giới thiệu ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực xuất bản nhằm nhận diện yếu tố thuận lợi và thách thức trong quá trình chuyển đổi số ở lĩnh vực này.

pvan-0.jpg
Ngày nay, bạn đọc dễ dàng tìm thấy các đầu sách được tích hợp trên các nền tảng số. Ảnh: Internet

Bà Phạm Thị Bích Hồng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tri thức:

Chuyển đổi số mang đến sự thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực xuất bản

pvan-1.jpg

Xuất bản và đọc sách trên nền tảng số là xu thế tất yếu của ngành Xuất bản Việt Nam. Đến nay, đã có gần một nửa số NXB được cấp phép xuất bản điện tử, trong đó có NXB Tri thức.

Xuất bản điện tử trên nền tảng số cho phép bạn đọc tìm kiếm sách dễ dàng, có thể đọc trước một phần khi quyết định mua, có nhiều gói đọc phù hợp với nhu cầu để lựa chọn, đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Đọc sách trên nền tảng số góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, thu hút một bộ phận lớn thanh, thiếu niên đọc sách do có nhiều tính năng hấp dẫn về âm thanh, hình ảnh, tính tương tác... Đặc biệt, với sách điện tử (ebook) bạn đọc dễ dàng đọc ở mọi lúc mọi nơi với chi phí rẻ hơn so với sách giấy.

Tính đến tháng 4-2024 là tròn 2 năm NXB Tri thức triển khai hoạt động xuất bản điện tử. Trong 2 năm qua, NXB Tri thức đã lựa chọn danh mục sách có giá trị nhất của NXB (chủ yếu là Tủ sách Tinh hoa tri thức Thế giới và Tủ sách Tri thức mới, Tủ sách Tâm lý giáo dục, sách kinh tế...) để phát hành dưới dạng ebook. Hiện có hơn 150 đầu sách ebook trên tổng số 350 đầu sách được phát hành tại địa chỉ http://nxbtrithuc.com.vn (trên nền tảng web và app). Ngoài ra, NXB Tri thức hợp tác với các ứng dụng “sách nói”(Audiobook), đưa sách của NXB Tri thức tham gia nền tảng “sách nói”.

Nhìn chung, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, các NXB nói chung và NXB Tri thức nói riêng có thuận lợi nhất định như được Đảng, Nhà nước, cơ quan quản lý xuất bản tạo điều kiện, có cơ chế khuyến khích xuất bản điện tử. Tuy nhiên, xuất bản điện tử cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường và nhu cầu đọc sách trên nền tảng số còn rất nhỏ so với thị trường sách giấy, thói quen đọc sách điện tử mới chỉ hình thành ở một bộ phận nhỏ trong giới trẻ. Chi phí vận hành hệ thống xuất bản điện tử, nhất là công nghệ, bảo mật rất lớn - hơn rất nhiều so với lợi nhuận thu được từ bán sách điện tử. Đặc biệt là tình trạng sách lậu, sách vi phạm bản quyền còn tràn lan...

Bà Ngô Thu Phương - Giám đốc, Tổng Biên tập Công ty TNHH MTV NXB Văn học:

Tình trạng vi phạm bản quyền chưa được ngăn chặn hiệu quả

pvan-2.jpg

Với NXB Văn học, thuận lợi đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số là có một khối lượng bản thảo tác phẩm văn học kinh điển trong và ngoài nước, tác phẩm văn học hiện đại, tác phẩm dùng trong nhà trường..., đây là nguồn tài nguyên lớn để đưa lên nền tảng số. Gần 10 năm trước, NXB đã ký liên kết với VTC news để xuất bản ebook; 5 - 6 năm qua, NXB ký liên kết với Công ty Voiz FM để xuất bản “sách nói”. Tuy nhiên, dù số lượng người dùng tăng lên hằng ngày nhưng các đơn vị xuất bản điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo các chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng chậm trễ trong chuyển đổi số của ngành Xuất bản gồm: Thiếu kinh phí đầu tư, trình độ nhân lực hạn chế, tư duy thụ động, khâu kết nối với các lĩnh vực khác còn kém... Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử chưa được ngăn chặn hiệu quả, trở thành mối lo ngại cho nhiều đơn vị muốn phát triển xuất bản điện tử.

Chuyển đổi số không chỉ là chuyển định dạng từ sách giấy sang ebook, audiobook, mà đòi hỏi cách thức, bộ máy, tư duy của con người cũng phải chuyển sang “định dạng” mới. Hơn một thập niên kể từ khi ebook được phát hành tại Việt Nam, đến nay có khoảng 20 đơn vị được cấp phép phát hành xuất bản phẩm điện tử nhưng hoạt động sôi nổi và tự tin chia sẻ về lợi nhuận, doanh thu thì chỉ có một vài đơn vị như Fonos, Voiz FM... Hiện nay, nguồn ebook ít ỏi, các tựa sách mới ít được cập nhật nên khó thu hút người dùng. Chi phí đầu tư lớn mà giá bán ebook thường chỉ bằng 1/3 so với giá sách giấy... Điều này gây khó cho công tác xuất bản điện tử.

Ông Hoàng Đức Tuấn - Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ VHMT Việt Nam:

Tin rằng các đơn vị xuất bản sẽ vượt qua khó khăn

pvan-3.jpg

Trong công cuộc chuyển đổi số, khó khăn đầu tiên của các NXB chính là nguồn lực tài chính và mô hình chuyển đổi. Là các doanh nghiệp hoạt động lâu năm theo mô hình nhà nước và trực thuộc cơ quan nhà nước, việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số phù hợp với NXB vốn đã là một lựa chọn khó khăn. Nếu chuyển đổi số theo mô hình đề án và sử dụng nguồn kinh phí nhà nước thì các vấn đề về thủ tục và chủ trương đầu tư sẽ là yếu tố chính dẫn đến việc kéo dài thời gian và làm chậm trễ quá trình chuyển đổi. Nếu tự đầu tư thì chi phí xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi nguồn nhân lực là một thách thức lớn đối với họ.

Khó khăn thứ hai là mô hình kinh doanh, khi mà các nhà phát hành tư nhân lớn như Alpha Book, Thái Hà Book, các chuỗi nhà sách lớn như Fahasha đang chiếm lĩnh thị trường phát hành và trong suốt nhiều năm sau khi từ bỏ mô hình nhà nước phát hành, hầu hết các NXB ủy thác đầu ra cho các đối tác phát hành. Vậy thì mô hình kinh doanh nào sẽ phù hợp với NXB trong chuyển đổi số và xuất bản điện tử?

Khó khăn thứ ba là khi mà các xuất bản phẩm kỹ thuật số như ebook, "sách nói", sách đa phương tiện, học liệu điện tử tương tác đang có nhu cầu lớn thì các NXB vẫn đang ở giai đoạn sản xuất truyền thống, phù hợp với sách in. Thậm chí, chính các tác giả cũng chưa sẵn sàng chuyển đổi nội dung bản thảo từ thuần túy đọc như sách in sang các định dạng phù hợp với xuất bản điện tử.

Khó khăn thứ tư liên quan tới sự đón nhận của thị trường và vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan. Đây chính là khó khăn dành cho hoạt động kinh doanh, định giá xuất bản phẩm, marketing, truyền thông trên môi trường số. Đó là chưa kể những khó khăn đến từ chuyên môn, sự cần thiết phải trẻ hóa đội ngũ, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong quy trình hoạt động...

Tuy nhiên, lợi thế của chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản cũng không ít. Hiện nay, một số đơn vị công nghệ tư nhân trong nước đã tham gia sâu vào hoạt động xuất bản điện tử, tạo nền tảng chuyên phục vụ xuất bản điện tử và có các mô hình liên kết, phối hợp, xã hội hóa nguồn lực tài chính rất linh hoạt để hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số của các NXB.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng các cơ quan nhà nước rất quan tâm đầu tư nguồn lực, ngân sách và điều chỉnh hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ, mở đường và khuyến khích các NXB chuyển đổi số...

Với những thuận lợi nêu trên, tôi vững tin các đơn vị xuất bản sẽ vượt qua khó khăn, tạo ra nhiều xuất bản phẩm điện tử tốt hơn, hấp dẫn hơn để thu hút bạn đọc trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường "sách số": Thách thức và cơ hội Thúc đẩy chuyển đổi số trong xuất bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.