(HNMO) - Ngày 10-4, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các nhà phân phối, lắp ráp khác đã công bố kết quả kinh doanh tháng 3, cho thấy sự suy giảm đáng kể về doanh số của các nhà sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đây là thực tế đã được dự đoán trước và là tình trạng chung mà ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang phải đối mặt.
Theo báo cáo của VAMA, doanh số ô tô toàn ngành (bao gồm cả các thành viên VAMA và các nhà nhập khẩu ngoài) trong tháng vừa qua đã giảm tới 41% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, chỉ có 19.154 xe tới tay người tiêu dùng. Trong đó, 13.071 chiếc là xe du lịch, 5.711 chiếc là xe thương mại, 372 chiếc là xe đặc dụng.
Đáng chú ý, tháng 3 cũng đánh dấu sự trỗi dậy của xe nhập khẩu, khi đạt tới 7.276 chiếc tới tay người tiêu dùng, tăng 22% so với tháng trước đó. Trong khi đó, doanh số xe lắp ráp trong nước chỉ tăng 2% (hiện ở mức 11.878 chiếc). Có thể thấy, tỉ trọng xe nhập khẩu trong tổng lượng xe bán ra thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng lên đáng kể.
Xét về từng mẫu sản phẩm, chiếc sedan cỡ nhỏ VIOS đang đứng đầu thị trường về doanh số. Đây cũng là mẫu xe duy nhất của Toyota vào thời điểm này vẫn duy trì được sức bán, trong khi tình hình của Fortuner, Innova ít khả quan hơn (nhưng vẫn nằm trong nhóm 10 xe bán chạy nhất).
Trong tháng 3, Hyundai có tới bốn mẫu xe bán chạy nhất tháng; đó là Accent (1.543 chiếc), Grand i10 (1.173 chiếc), Tucson (589 chiếc) và SantaFe (570 chiếc), còn Honda cũng quay lại bảng xếp hạng nhờ CR-V ở vị trí thứ 9. Mẫu xe này đạt 564 chiếc bán ra (cao hơn tháng trước khoảng 20 xe). Tucson và SantaFe hiện cũng là hai mẫu xe bán chạy nhất trong nhóm gầm cao (crossover) cỡ nhỏ.
Đánh giá về tình hình sắp tới, các ý kiến phân tích cho rằng, mặc dù tháng 3 đã chứng kiến sự sụt giảm về doanh số toàn thị trường ô tô, nhưng đây vẫn chưa phải là “đỉnh” suy thoái. Doanh số tháng 4 được giới chuyên môn nhận định sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng vì Covid-19. Bởi lẽ, kể từ đầu tháng, hệ thống đại lý và cơ sở sản xuất của các hãng ô tô tại Việt Nam đều đã ngừng hoạt động một phần hoặc toàn phần. Trong khi đó, nguồn cung từ nước ngoài cũng đang gặp đình trệ do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các nước xuất khẩu và những khó khăn nhất định trong vận chuyển.
* Cùng ngày, Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng đã công bố doanh số bán hàng quý I-2020 (tính từ tháng 1-2020 đến hết tháng 3-2020) của các thành viên hiệp hội.
Kết thúc quý I-2020, lượng xe máy bán ra tại thị trường Việt Nam đạt 731.077 xe, giảm 3,03% so với cùng kỳ năm 2019. Trung bình mỗi ngày có hơn 8.123 xe được giao đến tay người dùng.
Trước đó, báo cáo của VAMM cho thấy tổng doanh số bán hàng năm 2019 của các thành viên đạt 3.254.964 xe, giảm 3,87% so với năm 2018. Như vậy, tiếp nối đà đi xuống của năm 2019, sức mua xe máy tại thị trường Việt Nam đã tiếp tục sụt giảm trong những tháng đầu năm 2020.
Hiện tại, VAMM bao gồm 5 đơn vị thành viên gồm: Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, Suzuki Việt Nam, SYM Việt Nam và Yamaha Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.