Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường ô tô Việt Nam tháng 9-2019: Người mua xe ngày càng thực tế hơn

Hoàng Linh| 12/10/2019 13:12

(HNMO) – Trong tháng 9-2019, số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy thị hiếu người tiêu dùng trong nước có biến động, trong khi tình hình thị trường ô tô nội địa có nhiều thay đổi so với thời điểm cách đây một năm.

Diễn biến thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019 cho thấy thị hiếu của người tiêu dùng đang có những thay đổi.

Trong đó, một số mẫu xe mới tuy xuất hiện sau, nhưng lại tạo nên những bất ngờ về doanh số. Ví dụ điển hình là Xpander của Mitsubishi. Tính từ đầu năm, Xpander bỏ xa nhiều đối thủ với doanh số lên tới 11.985 xe, vượt cả Toyota Innova (8.849 xe). Nếu xét riêng tháng 9-2019, doanh số Xpander đạt 2.081 xe, gấp 84 lần so với kết quả kinh doanh cùng kỳ năm 2018 và chỉ đứng thứ hai trong số những xe bán chạy nhất của tháng này (sau Toyota Vios với 2.333 xe). 

KIA Soluto, tuy là gương mặt mới, nhưng chưa thể hiện được bản lĩnh, dù mẫu xe này được kỳ vọng có thể hâm nóng phân khúc sedan hạng B vốn bán chạy nhất thị trường. Cùng với Hyundai Accent (1.927 xe bán ra trong tháng 9), Soluto cũng nhắm tới phân khúc khách hàng mua xe lần đầu hoặc chạy dịch vụ. 

Tuy nhiên, dù có mức giá bán rẻ hơn đáng kể (khoảng 40 triệu đồng), sức bật của Soluto chưa đủ mạnh để giúp mẫu xe này vượt mặt Toyota Vios. Trong 9 tháng qua, "ông hoàng" phân khúc B đến từ Nhật Bản này bán được tới 19.120 xe, nhỉnh hơn 5.500 xe so với đối thủ Accent.

Là “lính mới” nhưng Xpander nhanh chóng được người dùng trong nước chấp nhận.

Thực tế cho thấy, tính thực dụng của những mẫu xe là yếu tố dần chiếm chỗ đứng trong quá trình đưa ra lựa chọn. Không ít người dùng giờ đây sẵn sàng mua MPV, bán tải hay các mẫu xe “lạ”. Đây là điều hoàn toàn khác biệt so với lựa chọn “bền, đẹp” của các năm trước và cũng là lý do khiến các nhà sản xuất bắt đầu đưa vào thị trường những dòng xe chuyên biệt hơn. Điển hình là việc Ford mạnh dạn trình làng chiếc MPV cỡ lớn Tourneo nhắm tới người dùng gia đình, dù vẫn đang bán rất tốt chiếc van Transit cho môi trường thương mại cũng như dòng bán tải Ranger tại Việt Nam.  

Không chỉ những gương mặt mới gây bất ngờ mà hết tháng vừa qua, nhiều cái tên cũ vẫn khẳng định được sức hút lớn. 

Trong tháng 8, Toyota Fortuner tạm rời khỏi nhóm 10 xe bán chạy nhất thị trường với chỉ 639 xe được tiêu thụ, nhưng đã nhanh chóng lấy lại phong độ khi bán hơn 1.400 xe trong tháng 9. Mức doanh số mới còn cho phép chiếc SUV ăn khách bậc nhất tại Việt Nam vọt lên xếp thứ 5. 

Sức hút của Fortuner càng thể hiện rõ khi doanh số 9 tháng năm 2019 đạt 8.708 xe, gấp 4 lần Hyundai Santa Fe (2.117 xe). Thành tích này của Fortuner được xem là hệ quả trực tiếp của việc chuyển sang lắp ráp trong nước, kết hợp cùng hàng loạt chính sách hỗ trợ kích cầu gần đây của Toyota cho phép giá bán tới tay người dùng giảm đáng kể. 

Một mặt trận khác cũng đang chứng kiến hiện tượng "sao đổi ngôi" đầy ngoạn mục là Crossover cỡ nhỏ, với hai “ngựa chiến” Honda CR-V và Mazda CX-5 (của Trường Hải). Mặc dù đối mặt nhiều chỉ trích về lỗi hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control) có thể gây mất an toàn cho người dùng, đồng thời chịu nhiều bất ổn về nguồn cung do nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, CR-V vẫn bán được 10.322 xe, nhỉnh hơn 2.380 xe so với sản phẩm lắp ráp bởi Trường Hải. Nhờ sức tiêu thụ tốt, mẫu xe này thậm chí còn vượt mặt City để trở thành sản phẩm bán chạy nhất của liên doanh Nhật Bản tại Việt Nam.  

TC Motor của Thành Công đang bán ra nhiều xe lắp ráp nhất, trong khi Honda dẫn đầu về doanh số xe nhập khẩu.

Cuối cùng, nếu xét về thị phần theo nhà sản xuất-lắp ráp-nhập khẩu tại Việt Nam, Toyota Việt Nam, Trường Hải (Thaco) và TC Motor (Thành Công) hiện chiếm hơn 65% doanh số ô tô bán ra trong nước. Tính riêng mảng xe du lịch, Toyota Việt Nam dẫn đầu với 56.805 xe, TC Motor với 49.233 xe và Trường Hải với 48.405 xe trong 9 tháng qua. Trong đó, ô tô lắp ráp trong nước tiêu thụ được 136.738 xe, giảm 13% so với 9 tháng năm 2018. Ngược lại, xe nhập khẩu tới tay khách hàng tăng lên 93.596 xe, gấp ba lần cùng kỳ năm 2018. 

Sự đan xen của xe nhập và xe lắp ráp xuất hiện ở mọi thương hiệu, mọi phân khúc cũng đã cho thấy những tác động mà Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN mang tới. Những nỗ lực khai thông bế tắc về thủ tục hành chính trong nhập khẩu xe đã tạo đà cho các hãng sản xuất ô tô mạnh dạn mở rộng nguồn cung từ thị trường khu vực, song song tận dụng lợi thế rắp ráp trong nước.

Theo thống kê của VAMA, tính tới hết quý III-2019, sức mua ô tô trong nước tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, 219.205 xe đã tới tay khách hàng Việt trong 9 tháng qua. Trong đó, phân khúc xe con tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 163.485 xe. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường ô tô Việt Nam tháng 9-2019: Người mua xe ngày càng thực tế hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.