Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường nhiên liệu: Vướng bức tường lửa

Vân Khanh| 09/08/2015 08:31

(HNM) - Từng tự tin nhận định giá dầu sẽ trở lại mức 90 USD/thùng trong vòng 3 năm tới, nhưng những diễn biến trên thị trường năng lượng đã khiến


6.500 nhân viên đã bị mất việc chỉ từ đầu năm, trong khi 7 tỷ USD vốn đầu tư cơ bản của tập đoàn này đã bị cắt giảm so với năm ngoái. Con số tương tự từ Chevron của Mỹ là 1.500 việc làm và 1 tỷ USD. Thế nhưng, những số liệu này là rất nhỏ so với khoảng 150.000 nhân viên trong lĩnh vực dầu lửa chớp mắt thành thất nghiệp. Cùng với đó là khoảng 1.300 tỷ USD của các công ty năng lượng đã bốc hơi trong đợt "lao dốc" của dầu thô hơn một năm qua.

Tuy nhiên, dường như "thảm cảnh" của các doanh nghiệp dầu lửa không thể làm lay động tâm lý thị trường hiện đã tỏ ra mất kiên nhẫn với "vàng đen". Sau những nỗ lực ngúc ngoắc đi lên hồi tháng 6, dầu thô đã trượt liền một lúc 21% chỉ trong tháng 7. Mất mát này không những chẳng được bù đắp trong những phiên giao dịch đầu tháng 8 mà còn tiếp tục bị nới rộng khoảng cách. Kết thúc ngày cuối tuần, các hợp đồng dầu ngọt nhẹ trên sàn New York giảm thêm 79 cent, tương đương 1,8% và xuống mức 43,87 USD/thùng, đã rất gần với ngưỡng thấp nhất trong 6 năm được thiết lập ngày 17-3-2015 ở mức 43,6 USD/thùng.

Sự dư thừa nguồn cung khiến giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh.


Có vẻ như dầu thô vẫn chưa hết vận rủi. Trong khi những căn nguyên cũ còn chưa được giải quyết thì quả bong bóng chứng khoán có dấu hiệu xì hơi của Trung Quốc đã bồi thêm một đòn chí mạng vào thị trường nhiên liệu. Kèm theo những chỉ số tăng trưởng ảm đạm, "cơn đột quỵ" của thị trường chứng khoán từng đạt tốc độ tăng trưởng vào loại nhanh nhất thế giới này đã làm lộ rõ hơn những vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh. Cơ cấu kinh tế kiểu "công xưởng thế giới" đang tỏ ra kém cạnh tranh, làn sóng bán tháo cổ phiếu không gì ngăn được có nguy cơ cướp thêm nhiều nghìn tỷ USD của các nhà đầu tư, trong khi hậu quả của bong bóng nhà đất vẫn chưa khắc phục xong…, hàng loạt thách thức đang chờ đợi khiến dư luận tin rằng người khổng lồ Châu Á đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc với tăng trưởng trong nửa đầu năm 2015 đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009 đã kéo tụt mọi triển vọng của giá dầu. Thực tế là, nhu cầu yếu từ Trung Quốc sẽ làm mặt hàng vốn đang ế ẩm này càng trở nên thừa thãi.

Dư thừa nguồn cung đang là một bức tường lửa ngăn chặn mọi cơ hội "thoát thân" của giá dầu. Vấn đề ở chỗ, chưa có một phương án nào để giải bài toán này trong điều kiện các bên tham gia đang muốn hoặc bị buộc phải cưỡi lên lưng hổ. Kể từ khi giá dầu bắt đầu rớt thảm từ hơn một năm trước, mọi ánh mắt đều dõi theo các động thái của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với hy vọng áp lực giá sẽ khiến OPEC điều chỉnh chiến lược thị trường. Nhưng ngược lại, mục tiêu duy trì vị trí thống lĩnh thị phần dầu lửa toàn cầu đã dẫn đến quyết định không cắt giảm sản lượng của nhóm các quốc gia hiện cung cấp 31,9% dầu cho thế giới.

Trong khi đó, thị trường nhiên liệu lại chứng kiến sự đổ bộ ồ ạt của dầu đá phiến của Mỹ. Cuộc cách mạng này không chỉ đưa Mỹ từ một quốc gia nhập khẩu dầu mỏ thành nhà cung ứng đầy tiềm năng mà còn biến thứ hàng hóa đang rất được săn đón này trở nên không còn khan hiếm. Cho dù, giá dầu rẻ đã khiến nhiều giếng dầu Mỹ phải đóng cửa vì "không chịu nổi nhiệt" nhưng với tiềm lực lớn, Washington vẫn tỏ ra rất ung dung trước sự thoái trào của dầu thô. Đối với những quốc gia bị thiệt hại nặng nề bởi giá dầu thấp như Nga, Venezuela, Nigeria lại càng không có cơ hội để chơi quân bài giảm sản lượng nhằm điều chỉnh thị trường. Về cơ bản, nền kinh tế của những nước này bị phụ thuộc rất lớn vào việc bán dầu mỏ. Vì thế, khi giá càng giảm thì họ lại càng phải tăng việc bán ra thị trường để bù thu ngân sách. Việc làm này dẫn đến tình trạng dầu thừa thêm thừa và giá đã thấp lại càng thấp.

Tính toán của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo có khoảng 2 triệu thùng dầu bị ế mỗi ngày trong nửa sau của năm 2015. Một báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thì cho rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ còn chậm hơn trong năm 2016. Cơ quan này còn "gây sốc" khi nhận định giá dầu còn có thể xuống tới mức 30USD/thùng trong ngắn hạn. Hai yếu tố không còn là ẩn số đối với dầu thô là sự tái xuất của Iran vào thị trường nhiên liệu toàn cầu khi những hạn chế thương mại được nới lỏng và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất khiến đồng USD mạnh lên. Đây sẽ là cú va đập mạnh nữa đối với dầu lửa và như thế, hành trình dò đáy của giá dầu có lẽ vẫn chưa dừng lại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường nhiên liệu: Vướng bức tường lửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.