(HNM) - “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thí điểm từ năm 2008 với mô hình và tên gọi “Mỗi làng một sản phẩm”...
Sau thời gian thí điểm, kết quả cho thấy, các sản phẩm được hỗ trợ đã khẳng định triển vọng phát triển của ngành nghề nông thôn Việt Nam. Một số sản phẩm làng nghề như sơn mài, chạm khắc gỗ, đá, đúc đồng… với mẫu mã cải tiến, phục vụ tốt cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế; trở thành nơi thu hút khách du lịch đến tham quan và mua đồ lưu niệm. Tổng doanh thu năm 2015 từ các hoạt động ngành nghề nông thôn cả nước đạt trên 1 triệu tỷ đồng. Một số làng nghề từng bị mai một đang dần được khôi phục và phát triển.
Những thông số trên cho thấy, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là hướng đi đúng trong phát triển “tam nông”, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới ở nước ta thời gian tới. Tuy vậy, trong quá trình triển khai và đẩy mạnh mô hình này rất cần một cái nhìn thấu đáo để có thể mang lại hiệu quả cao nhất, với đích cuối cùng là mang lại đời sống ấm no cho nông dân.
Để nhân rộng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, điều đầu tiên cần làm là tạo cơ sở pháp lý làm căn cứ thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động đưa mô hình trở thành một trong những chương trình kinh tế trọng điểm, xác định nhóm sản phẩm lợi thế trên cơ sở 2 cấp là địa phương và quốc gia, hướng tới xuất khẩu; ban hành các chính sách riêng phù hợp với từng địa phương; xây dựng bộ quy chuẩn hướng dẫn người tham gia cách thức thực hiện.
Đặc biệt, việc tổ chức triển khai chương trình phải đồng bộ trên mọi khía cạnh (kinh tế, văn hóa, xã hội). Đồng thời, phải có sự tham gia của cộng đồng để huy động các nguồn lực, từ tri thức, công nghệ, nguyên liệu địa phương đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển với sự tham gia đầy đủ của người dân (chủ nhân của quá trình phát triển ngành nghề nông thôn). Việc định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của các xã cũng phải gắn với nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác… nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Bản thân nông dân cũng cần thay đổi thói quen sản xuất, hướng tới sản xuất theo nhóm, hợp tác xã, kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để không bị lũng đoạn hoặc khủng hoảng thừa “đầu ra”. Ngoài ra, cần phải có các cơ chế đặc thù hỗ trợ đất đai, khoa học - công nghệ, thị trường…, không để nông dân “tự bơi”.
Mặt khác, để triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, điều cốt tử cần phải lưu ý là hiện nay, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn khá bấp bênh, phụ thuộc rất lớn vào thị trường nước ngoài, nhất là việc xuất khẩu chính ngạch trong bối cảnh hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt. Do đó, song hành với sản xuất thì việc tìm hiểu, nghiên cứu thị trường cần phải được xem là yếu tố quyết định. Nếu chỉ sản xuất duy ý chí, không có “đầu ra” thì một chủ trương đúng cũng có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường…
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ, phải tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra nền sản xuất có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Mà muốn phát triển nông thôn rất cần phải đi song song hai bước phát triển kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phải lấy nguồn thu từ các lĩnh vực phi nông nghiệp để phục vụ công cuộc phát triển hạ tầng và quan trọng là giúp nông dân có thêm nhiều việc làm để họ dù ly nông cũng không phải ly hương...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.