Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường hàng không Việt Nam: Cạnh tranh để cùng phát triển

Tuấn Khải| 10/05/2019 06:40

(HNM) - Đại diện các hãng hàng không cho rằng, áp lực cạnh tranh là lớn, song mỗi hãng đều chọn cho mình những lối đi riêng theo hướng cạnh tranh để cùng phát triển...


Tăng trưởng vượt bậc

Trong khoảng 10 năm qua (2008-2018), ngành Hàng không Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Năm 2008, Việt Nam mới chỉ có 60 máy bay, thì đến nay đã tăng gấp hơn 3 lần, lên 192 chiếc. Trước đây đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways... Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Các hãng hàng không đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn. Ảnh: Tuấn Lương


Cũng vào năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, thì hiện nay đã kết nối với nhiều cảng hàng không khác, gồm: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc… Điều này đã tạo cho ngành bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số (khoảng 29%).

Ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, trước đây chúng ta chỉ có một hãng hàng không quốc gia. Sau đó có thêm các hãng hàng không khác, từ các công ty cổ phần của hãng hàng không quốc gia, của Vietjet Air và Bamboo Airways, tức là số lượng hãng tăng lên và năng lực khai thác các nhà ga cũng tăng lên. Cả góc độ về nhu cầu sử dụng và cung cấp dịch vụ đều có sự phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân - đó là sự tăng trưởng rất ấn tượng.

Ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, “bức tranh” hàng không của Việt Nam đẹp như hiện nay có phần không nhỏ nhờ sự tham gia của tư nhân, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Hành khách sẽ có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc.

Chọn lối đi riêng

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự tăng trưởng ấn tượng của hàng không Việt Nam là sự phát triển kinh tế trong nước và thu nhập của người dân tăng lên. Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu. Chính mức độ hội nhập này đã kéo hàng không tăng trưởng, đồng thời cũng tạo sức ép đối với hàng không Việt Nam.

Khi “miếng bánh” hàng không đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước nhắm đến, sự cạnh tranh của các hãng hàng không sẽ ngày càng khốc liệt. Hiện nay, Vietnam Airlines và Vietjet Air gần như chiếm toàn bộ thị phần nội địa. Trong khi Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, lấy chất lượng dịch vụ làm điểm mạnh, thì Vietjet và Jetstar cạnh tranh bằng tiêu chí về giá. Sự xuất hiện của Bamboo Airways với mô hình kết hợp hàng không với du lịch, tập trung khai thác những sân bay chưa hoạt động hết công suất đã mang lại một "làn gió" mới cho thị trường.

Đề cập về vấn đề áp lực cạnh tranh, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways cho rằng, quan điểm của Bamboo Airways là cạnh tranh để cùng nhau phát triển chứ không phải để làm cho đối thủ yếu đi. Vì đi sau nên để tăng sức cạnh tranh, hãng lựa chọn những hướng đi riêng biệt. Một trong những chiến lược cơ bản nhất của Bamboo Airways là khai thác “thị trường ngách”, tức là thay vì các chuyến bay dồn hết về Tân Sơn Nhất và Nội Bài, hãng sẽ khai thác các chuyến bay kết nối các địa phương có tiềm năng du lịch, đông dân như Thanh Hóa, Quảng Ninh...

Khẳng định dư địa cho ngành Hàng không còn rất lớn, ông Phạm Vũ Nguyên Tùng, Giám đốc dự án Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air cho biết: "Việt Nam hiện chỉ có trung bình 1,9 máy bay/triệu dân, trong khi Thái Lan có 4,7 máy bay/triệu dân, Malaysia có 9,5 máy bay/triệu dân. Hiện, Việt Nam chỉ có 5 hãng hàng không được cấp phép hoạt động, trong khi đó Thái Lan có thời điểm lên tới 30 hãng, Indonesia có 27-28 hãng. Việc có thêm những hàng không mới sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh, song phải nhìn nhận thực tế việc này là rất tốt. Cạnh tranh để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ. Chúng ta phải nghĩ đến chuyện cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài khi mở cửa bầu trời, chứ không phải các hãng hàng không trong nước với nhau".

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, việc có thêm hãng hàng không mới và trước đó vào cuối tháng 12-2018 sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã đi vào hoạt động chắc chắn sẽ tác động tích cực đến thị trường, giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn, chất lượng dịch vụ cũng sẽ được nâng cao. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, an ninh hàng không, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của hãng bay và sân bay mới cũng như giám sát chặt chẽ trong giai đoạn đầu. Đồng thời, tăng cường quản lý để thị trường hàng không phát triển lành mạnh, không vì tăng trưởng mà lơ là chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng không Việt Nam: Cạnh tranh để cùng phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.