(HNM) - Ngày 25-5-2016, Bộ TT-TT ban hành thông tư quy định một số nội dung liên quan đến giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về. Liệu văn bản trên có ngăn chặn được việc kinh doanh phá giá dịch vụ này như thời gian qua hay không là điều đang được quan tâm?
Thị trường điện thoại quốc tế chiều về (VoIP quốc tế chiều về) thời gian qua được coi là có lợi nhuận "khủng", vì thế doanh nghiệp (DN) nào cũng chỉ muốn có "siêu lợi nhuận" để rồi đưa ra các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh, phá giá. Người dùng bị ảnh hưởng nhiều nhất vì phải trả tiền nhưng chất lượng cuộc gọi không bảo đảm. Sự cạnh tranh không lành mạnh này bắt nguồn từ việc dịch vụ được phát triển trên công nghệ VoIP, không cần đầu tư hạ tầng nên DN kinh doanh dịch vụ chỉ cần có giấy phép do Bộ TT-TT cấp làm căn cứ để đàm phán giá với đối tác nước ngoài rồi thu gom sản lượng và chuyển về kết nối với nhà mạng trong nước...
Quy định giá cước kết nối dịch vụ điện thoại quốc tế chiều về sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh. Ảnh: Thanh Hải |
Ước tính hiện có vài chục DN đang kinh doanh dịch vụ nói trên, trong đó chỉ có khoảng 7-8 DN là đầu tư bài bản và đều là các đơn vị cung cấp dịch vụ di động, viễn thông. Thế nên, mới có chuyện có DN được cấp phép, nhưng chỉ là một vài cá nhân đứng kinh doanh và thu lợi nhuận ít nhất cũng hàng chục nghìn USD/tháng... Cũng nhờ kinh doanh dịch vụ này, nhiều DN đang từ "tay trắng" hoặc đứng bên bờ vực phá sản bỗng "ăn nên, làm ra".
Thực tế có thời điểm, do cạnh tranh, giá cước kết nối dịch vụ này khoảng 594 đồng/phút, chỉ đủ chi phí trả cước kết nối liên mạng (500-550 đồng/phút). Trong khi các nhà mạng lớn, dù phải dành nguồn lực và sự quan tâm cho việc phát triển thuê bao di động, cố định, internet, truyền hình... không mấy quan tâm đến VoIP quốc tế chiều về, nhưng vì phải đầu tư lớn cho phát triển hạ tầng mà số tiền thu về chỉ đủ để trả cước kết nối liên mạng nên đã áp dụng những "giải pháp" kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại. Đó là lý do có những thời điểm, không ít đơn vị kinh doanh dịch vụ này "tố" nhà mạng "bóp" chất lượng, dung lượng mạng..., rồi các DN cùng " vạch áo cho người xem lưng" tới cơ quan quản lý nhà nước.
Trước thực tế đó, Bộ TT-TT đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp liên quan đến VoIP quốc tế chiều về như xây dựng chính sách giá, kết nối..., để quản lý tốt hơn cũng như tạo môi trường phát triển lành mạnh cho thị trường. Sau đó, giá cước kết nối được nâng lên tương đương mức 800 đồng/phút và năm 2014, Bộ TT-TT tổ chức đấu giá 30% lưu lượng VoIP quốc tế chiều về cho 11 DN. Theo đó, các DN có hạ tầng như Viettel, VNPT, MobiFone sẽ phải bán đấu giá 30% tổng sản lượng VoIP quốc tế chiều về cho các DN nhỏ; mức giá quy định để đấu giá là 850 đồng/phút, áp dụng một mức giá sàn cho các gói sản lượng khác nhau... Song, cũng vì lợi nhuận "khủng", nên chuyện cạnh tranh, bán phá giá lại lặp lại. Đáng chú ý, khách hàng ở nước ngoài gọi về Việt Nam vẫn phải chi trả cho nhà mạng ở nước ngoài từ 50 cent đến 1 USD/phút. Điều đó cho thấy, các nhà mạng trong nước chịu thua thiệt rất nhiều.
Để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ TT-TT đã xây dựng Thông tư số 13/2016/TT-BTTTT làm căn cứ pháp lý cho việc kinh doanh hoạt động này. Theo đó, DN chuyển sản lượng điện thoại quốc tế chiều về trả cho mạng cố định hoặc mạng di động có thuê bao kết cuối cuộc gọi, giá cước kết nối là 1.100 đồng/phút. Ngoài ra còn có các quy định ràng buộc giữa các nhà cung cấp kinh doanh dịch vụ.
Đánh giá về việc Bộ TT-TT ban hành quy định cụ thể mức cước trong Thông tư 13/2016/TT-BTTTT, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thị trường Tập đoàn VNPT Nguyễn Hồng Hải cho rằng: Quy định này sẽ giúp các DN kinh doanh lành mạnh, còn cơ quan quản lý có công cụ để điều tiết, kiểm tra bảo đảm sự phát triển lành mạnh cho thị trường. Các nhà mạng không bị thua thiệt, ngược lại, khách hàng cũng sẽ được bảo đảm chất lượng cuộc gọi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.